Trong đó, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản lúc này là doanh nghiệp cùng lúc gặp vấn đề về vốn, tín dụng, trái phiếu. Nhiều doanh nghiệp buộc phải dừng thực hiện dự án, nhiều nhà thầu cho công nhân nghỉ việc.
Tuy nhiên, Tổ công tác của Chính phủ đã đề nghị địa phương giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn. Ngoài ra, kiến nghị Chính phủ làm việc với ngân hàng nới room tín dụng.
Đánh giá việc Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng vừa qua, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết động thái này đã bước đầu tháo gỡ khó khăn nguồn vốn cho nền kinh tế trong đó có thị trường bất động sản. Cùng với đó, Thủ tướng đã chỉ sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp, gỡ nút thắt cho kênh huy động vốn này.
Ngoài ra, nguyên nhân khó khăn của thị trường bất động sản còn bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp. Khi thị trường bất động sản tốt, nhiều đơn vị đã ồ ạt triển khai cùng lúc nhiều dự án mà không chú ý tới khả năng cân bằng nguồn lực. Vậy nên khi thị trường đi xuống thì cùng lúc doanh nghiệp đến thời điểm đáo hạn nợ trái phiếu, dẫn đến mất kiểm soát.
Tổ công tác gỡ khó bất động sản đã nhiều lần đề nghị các doanh nghiệp phải rà soát lại, cơ cấu sản phẩm và dự án bất động sản, bán bớt để tập trung vào dự án đang triển khai. Đây là giải pháp ngắn hạn Tổ công tác đưa ra cho doanh nghiệp. Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhận định về lâu dài, không nên lấy vốn dự án này sử dụng cho dự án khác, làm mất cân bằng tài chính.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là những tín hiệu tích cực, là cơ hội để các dự án bất động sản giải quyết được bài toán dòng vốn và xử lý các vướng mắc về thủ tục pháp lý. Theo đó, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của các dự án, là cơ sở để thị trường bất động sản 2023 có cơ hội hồi phục, chuyển biến, thậm chí là “đảo chiều” từ trầm lắng sang khởi sắc.
Theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, dự báo trong năm tới, thị trường BĐS sẽ diễn biến theo hai kịch bản trái ngược nhau. Điều này phụ thuộc vào những chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ.
Trường hợp không có sự điều chỉnh về chính sách tín dụng sau Tết Nguyên đán, thị trường BĐS sẽ tiếp tục khó khăn như hiện nay.
Còn nếu có sự điều chỉnh chính sách về nguồn vốn và trái phiếu sau dịp Tết, theo ông Đính, kịch bản tích cực là thị trường BĐS sẽ ấm dần lên và có sự phát triển ổn định trong năm 2023.
Nhận định về tính thanh khoản của thị trường BĐS năm 2023, TS.Sử Ngọc Khương – Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam cho rằng, phân khúc nhà ở vẫn sẽ duy trì mức ổn định.
Tuy nhiên, nguồn cung hạn chế, nhất là phân khúc nhà ở vừa túi tiền, sẽ làm ảnh hưởng đến tính thanh khoản chung của thị trường. BĐS công nghiệp và văn phòng là hai phân khúc vẫn hoạt động tốt, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục có nhu cầu mở rộng.
Trong khi đó, một số chuyên gia nhận định, thị trường sẽ có tín hiệu đảo chiều và cân bằng hơn vào giai đoạn cuối năm 2023, tăng trưởng trở lại vào năm 2024. Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở thực như chung cư hay nhà phố sẽ dẫn dắt thị trường.
Đồng quan điểm, Tiến sĩ Trần Kim Chung cũng đưa ra những chỉ dấu tích cực về nguồn vốn của thị trường bất động sản. Theo đó, sau năm 2022 kiểm soát tín dụng, thì tín dụng năm 2023 sẽ dồi dào hơn năm nay, nguyên nhân là bởi quyết định nới thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại để tạo đà cho doanh nghiệp vận hành năm 2023.
Bên cạnh đó, nguồn tiền từ thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng trở lại. Trong trường hợp chứng khoán tăng lên mức 1.300 – 1.400 sẽ có một lượng tiền lớn đi vào nền kinh tế và bất động sản. Ngoài ra, thị trường trái phiếu đang dần phục hồi, đây tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng cho nền kinh tế và thị trường bất động sản. Với những chỉ dấu tích cực này, Tiến sĩ Trần Kim Chung cũng bày tỏ sự lạc quan về một bức tranh sáng của thị trường trong năm 2023.
Tổng Hợp
(Dân Việt, VietNamNet)