Biểu lãi suất huy động đầu tháng 12 ở hầu hết các ngân hàng đã được điều chỉnh ở nhiều kỳ hạn, đặc biệt các khoản tiền gửi, lãi suất huy động đã điều chỉnh tăng mạnh.
Theo biểu lãi suất huy động vừa được ngân hàng Techcombank công bố, sản phẩm tiết kiệm thường, lãi suất huy động các kỳ hạn từ 12 tháng đến 36 tháng có mức tăng mạnh nhất 0,2% so với tháng trước.
Với gói gửi tiết kiệm phát lộc tài quầy của Techcombank, người gửi tiền trong tháng 12 có thể nhận được lãi suất cao hơn 0,6 – 0,7% so với sản phẩm tiết kiệm thông thường.
Cũng từ tháng 12, ngân hàng Eximbank tăng lãi suất huy động thêm khoảng 0,1-0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn.
Theo biểu lãi suất áp dụng từ tháng 12 của GPBank, lãi suất tiết kiệm của ngân hàng này tăng thêm 0,5 %/năm ở nhiều kỳ hạn.
Ngân hàng Đông Á mới đây cũng tăng lãi suất tiết kiệm tại một số kỳ hạn từ 3 tháng đến 12 tháng mới mức tăng phổ biến trong khoảng 0,1 – 0,2% so với trước đó.
ACB có nhiều chương trình khác nhau,với tiết kiệm tiền gửi theo kỳ hạn từ 30 tỷ đồng, lãi suất 7,10%/năm; tiết kiệm ưu tiên/ tài khoản Phúc An Lộc từ 30 tỷ đồng, lãi suất 6,85%.
MSB xếp sau với lãi suất 6,99%/ năm dành cho khách hàng đáp ứng điều kiện gửi 200 tỷ đồng, kỳ hạn 12 và 13 tháng.
Bên cạnh đó, một số ngân hàng khuyến khích khách hàng gửi tiền online với lãi suất cao hơn so với gửi trực tiếp. Đơn cử, ABBank có chương trình gửi tiết kiệm được tặng lãi suất thêm 0,4 điểm phần trăm khi gửi online so với mức gửi tại quầy. SHB cũng có chế độ tương tự với lãi suất gửi online cao hơn 0,7-1 điểm phần trăm.
VPBank có chương trình lãi suất huy động tăng lên theo số tiền gửi. Hình thức gửi online cao hơn gửi tại quầy 0,8 điểm phần trăm, trong khi hồi đầu năm chỉ là 0,1-0,2 điểm phần trăm.
Một số nhà băng như MBBank và HDBank cũng đang áp dụng mức lãi suất lần lượt là 6,90% và 6,85%/năm. Điều kiện hưởng mức lãi suất này tại MBBank là khách hàng gửi tiết kiệm 24 tháng, từ 200 đến dưới 300 tỷ đồng; ở HDBank là khách hàng gửi tiết kiệm từ 300 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
Theo ghi nhận của Báo Lao Động, trên cùng một tuyến phố như tại Trung Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội), hai ngân hàng có phòng giao dịch sát nhau nhưng có lãi suất chênh lệch tới 1,5%/năm.
Như tại Ngân hàng Quốc Dân (NCB) và VietBank lại đang được áp dụng ở mức 6,7-7%/năm thì một phòng giao dịch của ngân hàng cổ phần SHB trên địa bàn quận Ba Đình (Hà Nội) thậm chí còn đang treo biển lãi suất huy động cao nhất lên tới 8%/năm với tiền gửi VND.
Nhìn chung, số lượng các ngân hàng có mức lãi suất huy động cao từ khoảng 6,4% cho kỳ hạn từ 12 tháng hiện chiếm khá lớn trong hệ thống.
Hơn hết, các ngân hàng này đặc biệt ưu tiên lãi suất “cộng thêm” cho khách hàng có khoản tiền gửi lớn, kỳ hạn dài, chưa kể còn 1 số điều kiện nếu đáp ứng sẽ được cộng thêm khác tùy theo chương trình ở mỗi nhà băng như Gửi online, gửi vào sinh nhật, đáp ứng số tuổi (càng cao càng được ưu đãi), lãnh lãi cuối kỳ.v.v
Vì sao lãi suất tiền gửi tăng mạnh?
Theo CTCK VNDirect, có 3 yếu tố khiến mặt bằng lãi suất khó duy trì ở mức thấp như hiện tại. Thứ nhất là nhu cầu huy động vốn tăng dựa trên tín dụng tăng. Thứ hai là áp lực lạm phát trong năm 2022.
Và cuối cùng là sự cạnh tranh từ các kênh đầu tư hấp dẫn như bất động sản và chứng khoán. Theo đó, lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong năm sau.
Có thể thấy, lãi suất tiền gửi đang có tín hiệu nhích tăng và theo giới chuyên gia, điều này là hoàn toàn phù hợp.
Bởi nếu xét về yếu tố mùa vụ, cuối năm là dịp các ngân hàng tăng hút vốn để phục vụ nhu cầu tăng cao của nền kinh tế. Và việc ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi cũng giúp kênh huy động này trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất đã duy trì ở mức thấp trong suốt một thời gian dài.
Theo đó mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng thường có xu hướng được điều chỉnh tăng giúp kích thích nhu cầu gửi tiền của người dân và gia tăng nguồn tiền gửi từ dân cư vào các ngân hàng nhằm đảm bảo nguồn vốn phục vụ cho vay.
Điều đáng nói là, qua các biểu lãi suất huy động điều chỉnh, có thể thấy các ngân hàng đang ưu tiên huy động vốn khoản lớn, kỳ hạn dài, đảm bảo ổn định nguồn vốn.
Điều này càng hợp lý trong bối cảnh ngành ngân hàng chưa được xem xét để chính thức không áp dụng theo quy định điều chỉnh tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn từ 40% xuống 37%.
Kiên Cương
(Tổng Hợp)