Tham vọng thống lĩnh thị trường môi giới, nhưng trên thực tế, cổ phiếu Cen Land (CRE) đã bị hai quỹ ngoại lớn Dragon Capital và VinaCapital bán ra suốt hai năm nay.
Tháng 4/2018, trước thời điểm niêm yết trên sàn chứng khoán, Cen Land công bố hai cổ đông chiến lược Dragon Capital và VinaCapital cùng lúc. Trong đó, Dragon bỏ ra 11 triệu USD để sở hữu 13% cổ phần, còn Vina đầu tư 10 triệu USD cho 12% cổ phần. Nhưng một năm sau, các quỹ đầu tư thuộc Dragon Capital bắt đầu thoái vốn. Từ tháng 4/2019 đến tháng 4/2020, nhóm này liên tục bán, giảm tỷ lệ sở hữu từ 13% xuống 4,88%, qua đó không còn là cổ đông lớn.
Trong đó phải kể đến giao dịch bán 2,5 triệu cổ phiếu của VEIL (quỹ tỷ đô của Dragon Capital) thời điểm cuối tháng 4/2020, khi cổ phiếu CRE chịu ảnh hưởng nặng do ảnh hưởng của đại dịch. Mức giá thời điểm VEIL đã bán chỉ bằng phân nửa so với giá cổ phiếu Cen Land khi mới lên sàn theo giá quy đổi. Phía VinaCapital, đây là cổ đông quỹ thường xuyên ý kiến về vấn đề dòng tiền kinh doanh âm của Cen Land tại các đại hội đồng cổ đông thường niên.
Trong quý đầu năm nay, VinaCapital đã bán mạnh cổ phiếu Cen Land, hạ tỷ lệ sở hữu từ 10,15% xuống 4,71% (ngày 8/4), và cũng đã không còn là cổ đông lớn. VinaCapital bán Cen Land ở nền giá tốt hơn nhiều nếu so sánh với Dragon Capital, từ 23.000 – 27.000 đồng. Cổ phiếu CRE đã hồi phục mạnh sau thời điểm tồi tệ nhất của đại dịch, trong khi Dragon bán mạnh đúng đáy. Thậm chí giá cổ phiếu CRE hiện còn đang ở vùng đỉnh lịch sử, ghi nhận 31.500 đồng mỗi đơn vị (kết phiên giao dịch 13/4). Bất chấp các tiềm năng ban lãnh đạo Cen Land đang chỉ ra cho các cổ đông, hai quỹ ngoại có tiếng tại Việt Nam vẫn thoái lui khỏi công ty này.
Năm 2020, Cen Land đem về 2.117 tỷ đồng doanh thu hợp nhất. Trong đó, doanh thu mảng môi giới của Cen Land đạt 1.029 tỷ đồng, giảm 19%; doanh thu chuyển nhượng bất động sản 1.040 tỷ đồng, tăng 5%. Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 461 tỷ đồng, so với năm 2019 dương 155 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do các khoản phải thu dài hạn tăng mạnh, đó là tiền đảm bảo tổng đại lý cho các dự án, lớn nhất là với: CTCP Đầu tư Bất động sản Thế Kỷ (758 tỷ đồng), CTCP Bất động sản Galaxy Land (185 tỷ đồng), Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (365 tỷ đồng).
“Đất Xanh, Hưng Thịnh, Danh Khôi, KHải Hoàn chỉ là những người đi sau khiến cuộc chơi thêm vui” Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, CTCP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) bất ngờ điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, tăng so với thông tin trước đó gửi đến cổ đông nhờ triển vọng kinh doanh lạc quan.
Cenland mới tham gia mảng môi giới Bất động sản từ năm 2008, đến nay, doanh nghiệp này vẫn chủ yếu hoạt động mảng môi giới với thị phần lớn tại khu vực miền Bắc. Còn riêng phía Nam – nơi thị trường sôi động nhất cả nước, Cenland dường như chưa thể hiện được nhiều.
Còn với tập đoàn Đất Xanh hay Hưng Thịnh đã có gần 20 năm “tuổi đời” hoạt động trong mảng môi giới bất động sản với thị phần trung bình từ 30 – 40% của cả nước. Với Đất Xanh, nếu tính riêng đơn vị thành viên là công ty Đất xanh Miền Bắc đã có thị phần cao hơn Cenland khá nhiều, còn với Công ty Cổ phần Property X – đơn vị thành viên của Hưng Thịnh đã nhiều năm liền dẫn đầu thị phần môi giới miền Nam. Vượt qua cả mảng môi giới, dịch vụ Bất động sản, hai doanh nghiệp này đang hướng đến vị trí hàng đầu Việt Nam khi mỗi Doanh nghiệp sở hữu quỹ đất đến hàng nghìn ha tại các đô thị lớn, cung cấp ra thị trường vài chục nghìn sản phẩm mỗi năm.
Kiên Cương