Nếu không tháo gỡ sẽ cứ luẩn quẩn mãi, làm cho các doanh nghiệp muốn đóng góp trí lực, nhân lực phục vụ đất nước cũng không thể.
Một câu chuyện “trầm kha” vì thủ tục liên quan đến Quốc Cường Gia Lai khi bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT Công ty cho biết rằng, doanh nghiệp có tới 6 dự án bị ách tắc nhiều năm qua, gây thiệt hại rất lớn. Đặc biệt là dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè do sự bất cập của một số chính sách nên Công ty mất hơn 3 năm chưa làm xong thủ tục, gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng lãi vay ngân hàng và lãi vay phải trả cho đối tác liên doanh.
Theo lý giải của bà Loan, do dự án có quỹ đất hỗn hợp, trong đó có đất nông nghiệp phải chuyển mục đích sử dụng đất, nên Công ty phải quay về Sở Kế hoạch và Đầu tư để làm lại các bước thủ tục từ đầu.
Một loạt những cái tên vốn là “tay chơi” chính trên thị trường bất động sản TP.HCM như Himlam, HungThinhCorp, Van Phuc Group, Hà Đô, Đất Xanh Group… cũng kêu cứu nhiều tháng nay vì các dự án nằm bất động quá lâu.
Không chỉ các dự án nhà ở thương mại gặp khó khi triển khai, mà ngay cả những doanh nghiệp lựa chọn đầu tư dự án nhà ở xã hội, phân khúc vốn được hưởng nhiều ưu đãi từ chính sách nhưng cũng đang gặp khó vì… không có hướng dẫn để thực thi cụ thể.
Phân tích những vướng mắc mà các doanh nghiệp đang gặp phải, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết, một số văn bản chính sách đã lạc hậu, không điều chỉnh hết các loại hình bất động sản “mới”. Ngoài ra, việc vận dụng và giải thích pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong các vấn đề quản lý đất đai, thủ tục đầu tư, thủ tục xác định nghĩa vụ tiền sử dụng đất dự án… còn nhiều khoảng trống và bất cập.
Để giải quyết các vấn đề này tạo điều kiện thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch và bền vững, ông Trung đề xuất cần có cải cách thủ tục hành chính về lĩnh vực đầu tư dự án bất động sản, chẳng hạn như cải cách phương thức xác định nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất tại các dự án.
“Hiện nay, TP.HCM yêu cầu phải định giá tiền sử dụng đất thì mới cấp phép xây dựng, nhưng định giá tiền sử dụng đất là câu chuyện không dễ dàng. Vì vậy, tôi kiến nghị cho doanh nghiệp đóng tiền sử dụng đất tương đương mức công bố của Thành phố ở khu vực đó, cấp phép xây dựng cho doanh nghiệp và khi có đủ cơ sở sẽ định giá sau, như vậy sẽ giúp doanh nghiệp triển khai dự án nhanh hơn”, ông Trung đề xuất.
Tập đoàn Novaland được biết đến là một “ông lớn” trong ngành bất động sản, nhưng doanh nghiệp này đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện các chính sách triển khai các dự án nhà ở. Ông Bùi Xuân Huy, Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, doanh nghiệp đã “kiệt sức” và xin được cứu xét để tiếp tục thực hiện dự án khu dân cư tại khu đất 30,224 ha tại phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: Hiện nay, có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS, nhìn chung rất rườm rà phức tạp, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, xung đột, như một ma trận làm nản lòng nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài. Công tác thực thi pháp luật cũng còn nhiều mặt hạn chế. Đơn cử, có địa phương quy định phải có 100% “đất ở” mới được chỉ định chủ đầu tư; yêu cầu DN phải nộp “tiền sử dụng đất” rồi mới được công nhận chủ đầu tư, mới được cấp giấy phép xây dựng…
Với vai trò quản lý nhà nước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thừa nhận, sự phát triển của thị trường BĐS hiện chưa thật sự bền vững, còn tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định. Giá BĐS, nhất là giá nhà ở mức cao, có xu hướng tăng, nhất là tại đô thị lớn. Cơ cấu một số sản phẩm BĐS mất cân đối, thiếu phân khúc vừa và nhỏ, thiếu loại hình nhà ở cho thuê, nhà ở xã hội, có dấu hiệu thừa nguồn cung nhà ở cao cấp. Tình trạng đầu tư tràn lan, tự phát hay các dự án chậm tiến độ, đầu tư không đồng bộ, thiếu kết nối hạ tầng còn diễn ra tương đối phổ biến, hàng tồn kho nhiều gây lãng phí tài nguyên đất đai và vốn đầu tư của xã hội.
Những vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính rườm rà đang khiến hàng trăm dự án tại TP.HCM nằm bất động, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Nhà nước và cả người tiêu dùng.