Theo dự báo của giới chuyên gia, sang năm 2022, nền kinh tế quay lại trạng thái bình thường mới, các ngân hàng có vốn nhà nước sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng. Dù tăng trưởng lợi nhuận thấp, song thời gian qua, khối ngân hàng thương mại nhà nước đã tích cực trích lập dự phòng, tăng mạnh tỷ lệ bao phủ nợ xấu.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 7/2021, vốn điều lệ của Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đạt 159,6 ngàn tỷ đồng; tổng tài sản đạt 6.052,6 ngàn tỷ đồng; huy động vốn thị trường 1 đạt 5.073,4 ngàn tỷ đồng; dư nợ cho vay thị trường 1 đạt 4.481 ngàn tỷ đồng.
Để nâng cao năng lực tài chính, thời gian qua, cả 4 ngân hàng này đều đã và đang thực hiện phương án tăng vốn. Trong đó, Agribank đã được Bộ Tài chính cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ và đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa; VietinBank đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và thực hiện tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận để lại (chia cổ tức 35%). Cuối tháng 9/2021 vừa qua, Vietcombank cũng đã được Thủ tướng phê duyệt phương án bổ sung hơn 7.657 tỷ đồng để duy trì tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank từ nguồn chi trả cổ tức cho cổ đông Nhà nước, thông qua việc Vietcombank phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ phần lợi nhuận sau thuế còn lại của năm 2019 sau trích lập các quỹ, chi trả cổ tức bằng tiền mặt.
Nếu kinh tế phục hồi, các ngân hàng này sẽ bật lên. Dự báo của chuyên gia cho rằng, năm 2022, lợi nhuận của Vietcombank và VietinBank có thể tăng trưởng 23 – 26%. Tuy nhiên, việc hụt hơi lợi nhuận năm 2021 sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận để lại, khả năng tăng vốn, từ đó ảnh hưởng đến vị thế của các ngân hàng này. Việc suy giảm vị thế cũng như thiếu nguồn lực để tăng vốn sẽ dẫn tới nguy cơ các ngân hàng này suy giảm khả năng hỗ trợ nền kinh tế các năm tới.
Với BIDV, NHNN đã lấy ý kiến Bộ Tài chính đối với dự thảo tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại BIDV thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phần từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế đến năm 2020. Hiện tại, Hệ số an toàn vốn (CAR) của khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đang ở mức thấp nhất hệ thống, gây khó khăn trong mở rộng tín dụng, hỗ trợ nền kinh tế. Để có nguồn lực tăng vốn – chủ yếu là nhờ nguồn lợi nhuận giữ lại – các ngân hàng này phải duy trì kết quả kinh doanh hiệu quả. Vì vậy, việc suy giảm tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của khối ngân hàng quốc doanh một phần thể hiện sự chia sẻ, trách nhiệm các ngân hàng nhà nước, song cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng trưởng cho khối ngân hàng này.
Tính đến giữa tuần này, hàng loạt ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính và kết quả kinh doanh quý III/2021 với lợi nhuận đa phần đều tăng rất mạnh, có những ngân hàng lợi nhuận tăng hàng chục lần so với cùng kỳ năm 2020. Đơn cử, 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của TPBank tăng 45%; ABBank tăng 68%; VIB tăng 32%, ACB tăng 40%. Một số ngân hàng, lợi nhuận tăng bằng lần như: MSB lợi nhuận tăng 2,5 lần, NCB lợi nhuận tăng gần 8 lần trong 9 tháng đầu năm.
Trong khi đó, với khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, theo ước tính của SSI Research, trong quý III/2021, lợi nhuận của Vietcombank chỉ tăng 0,3%, VietinBank tăng 3,3%. Ước cả năm, Vietcombank tăng lợi nhuận 5,4%, VietinBank tăng 2,7%. Lợi nhuận của Agribank chắc chắn cũng sẽ tăng ở mức rất thấp, do ngân hàng này ước tính cắt giảm khoảng 7.000 tỷ đồng lợi nhuận năm nay để hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ tính khoảng thời gian từ ngày 15/7 đến 31/8, tổng số tiền lãi mà Agribank cắt giảm cho khách hàng đã lên tới 4.726 tỷ đồng.
Tương tự, Vietcombank cho biết, 9 tháng đầu năm, tín dụng của ngân hàng này tăng 11,5%, hoàn thành 98% kế hoạch của cả năm. Tuy nhiên, doanh thu của ngân hàng bị ảnh hưởng liên tiếp do giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng. Trong năm nay, Vietcombank cũng dự kiến giảm 7.100 tỷ đồng tiền lãi để hỗ trợ khách hàng. Trong khối ngân hàng TMCP nhà nước, BIDV cũng là ngân hàng có mức giảm lãi suất, hỗ trợ khách hàng tương tự 3 ngân hàng còn lại, song do xuất phát từ nền thấp của năm 2020, có thể năm nay, lợi nhuận BIDV tăng trưởng tốt hơn các ngân hàng còn lại.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)