Bộ Tài chính, UBCKNN thể hiện quyết liệt trong việc minh bạch thị trường, lấy lại niềm tin của nhà đầu tư. Điều này giúp thị trường chuyên nghiệp hơn, từng bước hướng tới mục tiêu nâng hạng. Từ lâu nhiều nhà đầu tư đã đặt nghi vấn về cách điều hành của Ủy ban Chứng khoán nhà nước và một số sở giao dịch.
Sau sự việc ông Quyết bị bắt, Chủ tịch UBCKNN Trần Văn Dũng (người vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương điểm tên) đăng đàn cho rằng, thông tin liên quan tới ông Quyết khó tránh khỏi tác động tâm lý tới nhà đầu tư. Tuy nhiên, tác động là ngắn hạn, không quá lớn do nhóm FLC chỉ chiếm 0,35% vốn hóa toàn thị trường. Theo vị này, thị trường dù có thể biến động bởi yếu tố khách quan, nhưng chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá tích cực từ nền tảng vĩ mô.
Về nội tại thị trường, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khả quan trong bối cảnh dịch COVID-19 tác động mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn đó nhiều yếu tố hỗ trợ khác như: dòng tiền tham gia, kỳ vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi, việc cổ phần hóa, thoái vốn được đẩy mạnh… Ông Dũng cũng khuyên nhà đầu tư bình tĩnh để có góc nhìn khách quan, phân tích, nhìn nhận đầy đủ các yếu tố vĩ mô và hoạt động thực tế của các doanh nghiệp để cẩn trọng trong các quyết định (đầu tư).
Kỳ họp thứ 13 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương có những kết luận về việc vi phạm của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015 – 2020, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận thấy:
Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức, cá nhân thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong việc tham mưu xây dựng thể chế, chính sách và thực hiện công tác quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán, để một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thao túng thị trường, thu lợi bất chính.
Các ông: Vũ Bằng – nguyên bí thư Đảng ủy, nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Trần Văn Dũng – bí thư Đảng ủy, chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Nguyễn Thành Long – bí thư Đảng ủy Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chủ tịch hội đồng thành viên Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, nguyên phó bí thư Đảng ủy, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội; Lê Hải Trà – bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, nguyên thành viên phụ trách hội đồng quản trị; Nguyễn Sơn – bí thư Đảng ủy, chủ tịch hội đồng quản trị Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam – cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Đảng ủy cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán, giảm niềm tin của các nhà đầu tư, uy tín của tổ chức đảng và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.
Với “họ” FLC, doanh nghiệp trong hệ sinh thái này liên tục bị UBCKNN “tuýt còi” vì các vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán. Ngoài những sai phạm chủ yếu trong công bố thông tin, năm 2017, ông Quyết từng bán “chui” trót lọt 57 triệu cổ phiếu FLC, ước thu về khoảng 400 tỷ đồng nhưng chỉ chịu phạt hành chính 65 triệu đồng. Ở lần tái phạm ngày 10/1/2022, ông Quyết bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC mà không thông báo, không công bố thông tin. Tuy giao dịch đã bị hủy bỏ, nhưng vẫn gây hiệu ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường sau đó.
Biểu đồ cây thông là cách giới đầu tư nói về những cổ phiếu tăng mạnh vài trăm phần trăm chỉ trong thời gian ngắn, sau đó lao dốc. Năm 2021, hàng loạt cổ phiếu MCG, IDI, SJF, TNI, LIC, nhóm Louis “vẽ” cây thông, giảm sâu sau chuỗi phiên tăng hết biên độ. Nhà đầu tư lỡ đu vùng giá đỉnh đau xót nhìn tài khoản bốc hơi, cổ phiếu mất thanh khoản, thậm chí khó cắt lỗ.
Từng là câu chuyện tốn giấy mực năm 2021, cổ phiếu TGG của Cty CP Louis Capital nói riêng và hệ sinh thái Louis Holdings làm “dậy sóng” thị trường với hàng loạt cổ phiếu liên quan tăng giá cả chục lần, nhưng sau đó lại giảm mạnh. Trước nghi vấn thao túng, lãnh đạo Louis Holdings khẳng định không có chủ trương tác động lên giá cổ phiếu và thực tế đến nay vẫn chưa có kết luận về vấn đề này. Cùng thời điểm thị trường xuất hiện nghi ngờ thao túng cổ phiếu kể trên, qua phản ánh từ báo chí, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) khẳng định, các trường hợp có dấu hiệu thao túng, làm giá cổ phiếu sẽ được chú trọng và xử lý nghiêm. Các đơn vị giám sát, thanh tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tìm hiểu, nắm bắt và thu thập thông tin. Sau nghi án thao túng giá cổ phiếu, vừa qua, Louis Holdings lại bị UBCKNN đình chỉ giao dịch chứng khoán trong 2 tháng, do mua vượt hơn 1 triệu cổ phiếu TGG so với đăng ký.
Sự kiện khác đáng chú ý trong năm 2021 được đưa ra ánh sáng là vụ thao túng giá cổ phiếu FTM (Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển Đức Quân – Fortex). UBCKNN xử phạt hành chính tổng số tiền 1,2 tỷ đồng đối với hành vi thao túng giá cổ phiếu do ông Lê Mạnh Thường và bà Phạm Thị Phương thực hiện. Theo đó, 2 người này đã sử dụng 50 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu FTM. Tuy nhiên, căn cứ kết quả xác minh, cơ quan quan chức năng cho rằng, hậu quả do hành vi thao túng cổ phiếu của 2 cá nhân này chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.
Năm 2019, cổ phiếu này gây rúng động thị trường chứng khoán với chuỗi hàng chục phiên giảm sàn liên tiếp. Đáng chú ý, ông Thường là cổ đông sáng lập, chủ tịch hội đồng quản trị của Fortex. Khi ấy, ông Thường đã phủ nhận cáo buộc thao túng. Giao dịch ở vùng giá 24.000-25.000 đồng/cổ phiếu vào giữa năm 2019, nhưng chỉ sau hơn 1 tháng, thị giá cổ phiếu FTM giảm về dưới 4.000 đồng sau hơn 20 phiên giảm sàn liên tiếp. Mặt bằng giá “trà đá” này được duy trì cho tới nay. Đầu tháng 9/2019, 11 công ty chứng khoán và 1 ngân hàng thương mại đã họp để đánh giá thiệt hại và ghi nhận những bất thường của mã này. Theo thống kê khi đó của các thành viên thị trường, ước tính thiệt hại hàng trăm tỷ đồng.
Đầu năm 2022, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo đình chỉ giao dịch trên sàn UPCoM với cổ phiếu của Cty Cổ phần ASA (mã chứng khoán ASA). Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đang điều tra hành vi tạo cung cầu giả, thao túng giá cổ phiếu này. UBCKNN đã quyết định hủy 7 triệu cổ phiếu trong đợt chào bán cổ phiếu riêng lẻ (tăng vốn từ 30 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng của Cty cổ phần ASA).
Tổng Hợp