Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, lạm phát và tỷ giá năm 2022 rất đáng vui mừng nhưng không thể bằng lòng mới mức lãi suất thực hiện đang cao gần nhất thế giới của Việt Nam.
Trong năm 2022, Chính phủ đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng GDP trên 8%, kiểm soát lạm phát 3,15%, đặc biệt là tỷ giá từng có lúc biến động 8-9% nhưng đến cuối năm VND chỉ còn mất giá 3,53%, bằng một nửa so với thời điểm tháng 10.
Theo các chuyên gia, mặc dù hầu hết các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đều khả quan nhưng lãi suất như hiện nay vẫn ở mức khá cao, đặc biệt là lãi suất thực, tức là lãi suất trừ đi lạm phát thì đang ở trong nhóm cao nhất thế giới.
Phân tích về yếu tố lãi suất năm 2022, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho rằng, khi nói đến lãi suất, người ta quan tâm nhiều đến lãi suất thực, tức là lãi suất đó trừ đi lạm phát.
Hiện lãi suất tiền gửi kỳ hạn một năm đang khoảng 9,4% mà lạm phát 6,2% thì lãi suất thực khoảng 6,2%. Lãi suất cho vay hiện đang khoảng 12,6% mà lạm phát có 3,2% thì lãi suất thực cho vay hiện trên 9%.
Tại Mỹ, lạm phát đang ở 8%, lãi suất 3,5% – 4% thì lãi suất thực là -4% còn Việt Nam đang là 9%, tức cao hơn lãi suất thực của Mỹ hơn 13%. Nếu so sánh với châu Âu, lạm phát 10% mà lãi suất cho vay còn thấp hơn của Mỹ thì lãi suất thực của Việt Nam còn cao hơn nữa.
“Đây là một trong lãi suất thực cao nhất thế giới hiện nay. Thử hỏi doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp Mỹ, châu Âu trong bối cảnh chi phí tài chính cao như vậy thì họ có chịu được không?”, TS. Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề.
Theo chuyên gia, điều này có nghĩa là doanh nghiệp Việt đang bị đẩy lùi, nhường chỗ cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên chính thị trường nội địa, bởi các doanh nghiệp FDI họ không phải chịu lãi suất từ hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo một nghiên cứu, chỉ khoảng 27%-30% doanh nghiệp Việt tận dụng được lợi thế từ các FTA còn lại là doanh nghiệp FDI hưởng lợi, nhưng trong bối cảnh lãi suất cao như hiện nay còn số này chắc chắn sẽ càng thấp đi.
“Chúng ta có thể bằng lòng với tỷ lệ tăng trưởng, lạm phát cũng như tỷ giá của năm 2022 nhưng không thể bằng lòng với lãi suất”, ông Nghĩa nói.
Với chính sách tiền tệ năm 2023, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thế giới không có khủng hoảng kinh tế nên thách thức từ bên ngoài sẽ sớm giảm áp lực. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2023.
Lạm phát từ bên ngoài đang giảm, tỷ giá cũng đang giảm xuống. Nền kinh tế của Mỹ và Trung Quốc cũng có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ hơn, đặc biệt là Trung Quốc đã gỡ bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Chỉ còn một yếu tố chúng ta chưa thể dự đoán được, đó là xung đột Ukraine – Nga. Cuộc chiến này có thể kéo dài nhưng quy mô của nó sẽ giảm dần, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Theo ông Nghĩa, mục tiêu của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm tới nên theo hướng giảm lãi suất. Muốn giảm lãi suất thì phải giải quyết từ các nguyên nhân của nó,.
Lãi suất tăng không phải do room tín dụng mà do cung tiền. Năm 2022, cung tiền của Việt Nam khoảng 7-8% nhưng hiệu quả chưa cao, ngoài ra còn gặp một số trục trặc về chính sách tiền tệ.
Hơn nữa, vòng quay tiền tệ của Việt Nam rất thấp, theo tính toán, vòng quay tiền tệ năm 2022 chỉ được 0,66 vòng/năm, năm 2021 được 0,6 vòng/năm, năm 2020 được 0,51 vòng/năm trong khi ở Mỹ vòng quay tiền M2 là từ 1,6-2 vòng/năm. Đây là điều mà NHNN cũng phải đưa vào trong việc tính toán của mình, để xem là khối lượng cung tiền để đảm bảo cho tăng trưởng là bao nhiêu.
“Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ 2023 là phải nghiên cứu làm sao để giảm lãi suất ở mức hợp lý, tăng trưởng room tín dụng và ổn định tỷ giá hối đoái”, TS. Nghĩa phân tích.
Christina Romer, Giáo sư kinh tế tại Đại học California, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế (CEA) của Nhà Trắng từ năm 2009 đến 2010, nhận định nỗ lực kiềm chế lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang khiến ngân hàng trung ương này khó tránh tình trạng tăng lãi suất cao hơn mức cần thiết.
Theo bà Romer, các nhà hoạch định chính sách Fed sẽ phải đối mặt với một quyết định rất khó khăn về thời điểm ngừng tăng lãi suất hoặc đảo ngược chính sách này.
Bà cho rằng các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải thay đổi chính sách lãi suất trước khi vấn đề lạm phát được giải quyết hoàn toàn nếu họ muốn giảm lạm phát mà không gây ra nhiều “đau đớn” hơn mức cần thiết.
Các quan chức Fed đã thừa nhận rất khó để đánh giá về mức tăng lãi suất và thời gian duy trì mức tăng này. Do đó, Fed đã giảm tốc độ tăng tăng lãi suất để tránh mắc sai lầm.
Biên bản cuộc họp chính sách gần đây nhất của Fed vào tháng 12/2022 cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang vật lộn để đánh giá rủi ro. Trong khi đó, các nhà kinh tế cảnh báo về khả năng cao: tăng lãi suất sẽ dẫn đến suy thoái kinh tế ở Mỹ trong năm tới.
Với việc nghiên cứu biên bản cuộc họp của Fed từ những năm 1940, bà Romer cho biết khi lãi suất tăng, tổng sản lượng kinh tế bắt đầu chậm lại khoảng sáu tháng sau đó. Tỷ lệ thất nghiệp bắt đầu tăng sau khoảng 5 tháng và tăng trung bình 1,6 điểm phần trăm sau 27 tháng, với tác động giảm dần sau 5 năm.
Fed bắt đầu tăng lãi suất vào tháng 3/2022 và đã đẩy nhanh tốc độ trong tháng Sáu lên mức tương đương với tốc độ thắt chặt nhanh chóng mà cựu Chủ tịch Fed Paul Volcker đã sử dụng vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Lãi suất của Fed hiện nằm trong khoảng 4,25 -4,5% và các quan chức ngân hàng này dự kiến sẽ tiếp tục nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp từ ngày 31/1-1/2, với mục tiêu đẩy tỷ lệ này lên trên 5% trong những tháng tới.
Tổng Hợp
(TTXVN, Doanh Nghiệp Kinh Doanh)