Ngân hàng Nhà nước vừa nhận được kiến nghị của cử tri các tỉnh về vấn đề giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Trước xu hướng giảm mạnh của lãi suất huy động, mặt bằng lãi vay gần đây giảm dần…
Trả lời vấn đề này, cơ quan này cho hay, thực hiện chủ trương của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã có 4 lần liên tiếp hạ các mức lãi suất điều hành, với tổng mức giảm từ 0,5 – 2%/năm, trong bối cảnh lãi suất trên thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao. Qua đó, Ngân hàng Nhà nước định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay của thị trường, tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Ngày 23/8/2023, nhóm ngân hàng Big 4 (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) đã hạ lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng về mức 5,8%, từ mức 6 – 6,3%/năm trước đó. Điều này sẽ kéo mặt bằng lãi suất huy động toàn thị trường xuống, giúp các ngân hàng có thêm dư địa giảm lãi suất cho vay.
Các ngân hàng đã chủ động điều chỉnh và triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay, với mức giảm 0,5 – 3%/năm, tùy đối tượng khách hàng đối với các khoản vay mới; đồng thời cam kết giảm lãi suất cho vay từ 0,2 – 2,5%/năm trong 6 tháng cuối năm 2023, tùy đối tượng khách hàng và lĩnh vực. Tính đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Với tác động của độ trễ chính sách và cam kết giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, giới phân tích tài chính cho rằng, mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước có thể giảm lãi suất điều hành thêm 0,5%, nhưng cũng có ý kiến lo ngại vấn đề tỷ giá sẽ khiến nhà điều hành trì hoãn hạ lãi suất, chờ sau cuộc họp chính sách tháng 9/2023 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mới đưa ra quyết định.
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, dư địa giảm lãi suất vẫn còn khi lạm phát 7 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ là 3,1%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kiềm chế của Chính phủ. Yếu tố hỗ trợ tiếp theo là dự trữ ngoại hối ở mức cao và có xu hướng tăng trở lại kể từ đầu năm. Dự trữ ngoại hối đến cuối năm nay dự kiến vẫn ở mức an toàn, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước giảm tiếp lãi suất điều hành khi xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi, lượng FDI và kiều hối ổn định.
Các dự báo đưa ra từ HSBC, UOB, Standard Chartered cho thấy, Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ giảm thêm 0,5%/năm lãi suất điều hành trong nửa cuối năm 2023, tạo thêm điều kiện để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhằm kích cầu tín dụng khi dư nợ toàn ngành tính đến cuối tháng 7 mới chỉ tăng 4,56%.
Trong báo cáo thị trường mới đây, Công ty Chứng khoán VNDIRECT kỳ vọng, lãi suất tiền gửi bình quân kỳ hạn 12 tháng sẽ giảm xuống 6 – 6,2%/năm và lãi suất cho vay giảm mạnh trong thời gian tới, nhờ chi phí vốn của các ngân hàng đang giảm nhanh do tác động từ 4 đợt hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước và Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép các ngân hàng thương mại giãn trích lập dự phòng nợ xấu.
“Lãi suất cho vay có thể giảm thêm 1 – 1,5%/năm trong những quý tới và đây sẽ là động lực chính cho sự phục hồi trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư”, VNDIRECT nhận định.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chia sẻ, khi có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hạ lãi suất điều hành. Nếu không, các ngân hàng sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay dựa trên giảm chi phí. Tuy nhiên, giảm lãi suất chỉ là một phần của vấn đề, chưa đủ để kéo tăng trưởng tín dụng đi lên. Vì thế, bên cạnh việc giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải cắt giảm các loại phí, các thủ tục… Dự kiến, trong tuần này, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức hội nghị chuyên đề về lãi suất và phí đối với từng nhóm ngân hàng, bởi vì đây là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến giá đầu vào của các doanh nghiệp.
Tổng Hợp
(ĐTCK)