Liên quan đến việc đáo hạn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), trong một báo cáo gửi lên Chính phủ hồi cuối tháng 7/2022, Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2022, khối lượng trái phiếu đáo hạn khoảng 144.500 tỷ đồng.
Con số này của năm 2023 và năm 2024 sẽ ngày càng lớn, lần lượt ở mức 271.400 tỷ đồng và 329.500 tỷ đồng. Theo đó, tổng khối lượng TPDN đến hạn trả nợ trong vòng 3 năm tiếp theo lên tới 745.400 tỷ đồng.
Về việc mua lại trái phiếu trước hạn, theo Bộ Tài chính, sau vụ việc sai phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát, thị trường TPDN hiện đang gặp khó khăn, khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, dẫn rới khối lượng mua trái phiếu trước hạn lớn.
Ngoài nguyên nhân từ những vụ việc nêu trên, những tin đồn trên thị trường tài chính liên quan đến một số tập đoàn, khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của người gửi tiền và nhà đầu tư đối với thị trường ngân hàng và TPDN bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, khi lãi suất tiền gửi ngân hàng lên cao, nhà đầu tư cá nhân có xu hướng bán lại TPDN để chuyển sang gửi tiết kiệm.
Theo số liệu mới công bố Bộ Tài chính, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong 10 tháng của năm 2022 đạt 328.900 tỷ đồng, giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2021 và có xu hướng giảm dần qua các quý.
Theo đó, quý 1, khối lượng phát hành TPDN đạt 134,8 nghìn tỷ đồng, quý 2 là 122.400 tỷ đồng, quý 3 là 65.900 tỷ đồng. Trong tháng tháng 10/2022, lượng trái phiếu phát hành chỉ còn 5.800 tỷ đồng.
Trong đó, 46,48% TPDN riêng lẻ phát hành có tài sản đảm bảo; 53,52% không có tài sản đảm bảo, chủ yếu là trái phiếu của tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, khối lượng TPDN của các TCTD phát hành lớn nhất, chiếm 41,34%; TPDN bất động sản đứng thứ 2, chiếm 28,87%; TPDN xây dựng chiếm 7,8%.
Đáng chú ý, khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn trong giai đoạn là 152,5 nghìn tỷ đồng, tăng 49,6% so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, trong hai tháng cuối năm 2022 sẽ còn hơn 61.000 tỷ đồng TPDN đáo hạn. Trong đó, riêng tháng 12 sẽ có gần 48.000 tỷ đồng TPDN đến hạn.
Từ góc độ của doanh nghiệp, khát vốn là nhu cầu rất chính đáng. Từ góc độ của người tiêu dùng, nhu cầu là thu nhập, là đảm bảo đời sống, nhu cầu đó cũng là chính đáng. Từ góc độ người quản lý vĩ mô, an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô cũng rất quan trọng.
Nhiệm vụ của chúng ta là phải tìm được điểm cân bằng, quan trọng nhất không gây ra sự đổ vỡ. Bài học của thế giới có rồi, nếu để vỡ trận thì cái gì cũng vỡ. Đó là cái giỏi, cái khéo khi tìm điểm cân bằng để làm sao có thể khó nhưng không khó quá, có thể tác động tiêu cực nhưng không tiêu cực quá. Quan trọng nhất là không gây ra sự đổ vỡ ở thị trường bất động sản, ở hệ thống ngân hàng hay ở niềm tin thị trường và xã hội.
Tổng Hợp