Bên cạnh cao tốc Bắc Nam, một dự án trọng điểm khác là sân bay Long Thành cũng đang được huy động tối đa mọi nguồn lực, thúc đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành đúng kế hoạch đề ra.
Dự án sân bay Long Thành được xây dựng tại xã Bình Sơn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích 5.000 ha, gồm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1, sẽ đầu tư một đường băng và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm; Giai đoạn 2 tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường băng cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, còn giai đoạn 3 sẽ hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Với công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm, khi hoàn tất các giai đoạn, đây sẽ là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai.
Theo thông tin mới nhất từ tỉnh Đồng Nai, trong tháng 10/2020, tỉnh này sẽ bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực ưu tiên giải phóng mặt bằng để phục vụ xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Đây cũng chính là cam kết của Đồng Nai đối với Chính phủ về tiến độ thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành.
Bên cạnh đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam có tổng chiều dài 1.811km với điểm đầu là nút giao Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối là nút giao Chà Và (Cần Thơ), đây là công trình quan trọng quốc gia được ưu tiên đầu tư tronggiai đoạn 2017-2020. Dự án này khi đi vào hoạt động sẽ từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông, đồng bộ với các công trình hiện đại, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tếtrong bối cảnh hội nhập quốc tế; giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông.
Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Bình Thuận, Đồng Nai đã khởi công dự án cao tốc Mai Sơn – quốc lộ45 tại xã Hà Long, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa; dự án Vĩnh Hảo – Phan Thiết tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận và dự án Phan Thiết -Dầu Giây tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, với dự án cao tốc Bắc Nam, khi dự án hoàn thành thi công, đây sẽ là tuyến đường cao tốc tốt nhất Việt Nam đi qua nhiều địa phương, chạy dọc theo chiều dài đất nước, kết nối rất nhiều cảng biển, cảng hàng không lớn từ Bắc đến Nam. Đặc biệt, tuyến cao tốc này còn kết nối với nhiều tuyến quốc lộ, khu vực xung quanh tuyến đường cao tốc, các địa phương có thể xem xét để quy hoạch lại các khu kinh tế, khu công nghiệp, dựa vào lợi thế của đường cao tốc để phát triển kinh tế, tạo nguồn công ăn việc làm.
Còn với sân bay Long Thành, dự án này được kỳ vọng sẽ trở thành nơi trung chuyển trọng điểm trong khu vực, cũng như quốc tế và trở thành một thành phố sân bay đúng nghĩa, sánh ngang với các sân bay hiện đại trên thế giới. Bên cạnh đó, những khu đô thị có quy hoạch bài bản tại các khu vực liền kề các công trình giao thông trọng điểm cũng sẽ trở thành kênh đầu tư sinh lời hấp dẫn đối với cả giới đầu tư lẫn người có nhu cầu an cư.
UBND Đồng Nai vừa kiến nghị Thủ tướng xin làm chủ đầu tư xây dựng hai tuyến đường kết nối sân bay Long Thành với quốc lộ 51 (tuyến số một dài 3,8 km) và cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (tuyến số hai dài 3,5 km).
Trong báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến số một với quy mô tám làn xe chính và sáu làn đô thị song hành, rộng 85-120 m. Đây sẽ là đường chính để ra vào thi công giai đoạn đầu của dự án sân bay Long Thành. Tuyến số hai quy mô bốn làn xe theo hai nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Đường này kết nối tuyến một với cao tốc TP HCM- Long Thành – Dầu Giây.
Theo đó, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ – thương mại sẽ được chú trọng. Đồng Nai xác định các trục (tuyến) động lực, bao gồm: tuyến phía Bắc, tuyến phía Tây, tuyến phía Đông để phát triển và đầu tư phát triển đối với các lĩnh vực có tiềm năng, đó là phát triển đô thị; du lịch sinh thái – văn hóa – tâm linh, nghỉ dưỡng chất lượng cao; dịch vụ vui chơi, giải trí…
Từ tầm nhìn này, Đồng Nai đang tập trung xây dựng các quy hoạch chiến lược phù hợp với yêu cầu phát triển. Đặc biệt, chuẩn bị các nguồn lực để khai thác tốt lợi thế khi dự án sân bay Long Thành và các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đưa vào khai thác. Vùng Long Thành, Nhơn Trạch được xác định là vùng động lực mới để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là dịch vụ tài chính, logistics, dịch vụ bất động sản.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT cho biết đã trình Chính phủ kế hoạch đầu tư 7 tuyến đường bộ cao tốc với tổng vốn đầu tư 64.554 tỷ đồng, trong đó nhu cầu vốn trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 37.272 tỷ đồng.
Bao gồm các đoạn: Cần Thơ – Cà Mau, Chơn Thành – Đức Hòa, Đức Hòa – Mỹ An, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu – Cao Lãnh (thuộc tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh), Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu.
Theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, vùng ĐBSCL sẽ hình thành tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông và phía Tây cùng với 3 tuyến cao tốc khu vực phía Nam (Bạc Liêu – Rạch Giá – Hà Tiên, Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng) với tổng chiều dài khoảng 998 km.
Về tiến độ đầu tư các tuyến cao tốc Bạc Liêu – Rạch Giá – Hà Tiên, Cần Thơ – Cà Mau và Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng theo quy hoạch được duyệt đến sau năm 2030.
Để có cơ sở triển khai huy động vốn, từng bước đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc nêu trên, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó có kiến nghị điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc này lên giai đoạn trước năm 2030, đồng thời bổ sung tuyến cao tốc Hồng Ngự – Trà Vinh vào quy hoạch mạng đường bộ cao tốc Việt Nam làm cơ sở triển khai thực hiện theo quy định.
ĐBSCL có khoảng 20 triệu dân, cung cấp 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 40% sản lượng thủy sản xuất khẩu cả nước… Tuy nhiên, khu vực hiện chỉ có 40km cao tốc TP HCM – Trung Lương (qua Tiền Giang, Long An). Để đáp ứng nhu cầu phát triển, 7 dự án cao tốc tại khu vực được Bộ GTVT đưa vào quy hoạch để có kế hoạch đầu tư, xây dựng.
Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là tuyến cao tốc nằm trong trục cao tốc Bắc – Nam phía Đông, dự kiến, dự án sẽ thông tuyến vào cuối năm 2020 và cho ôtô dưới 16 chỗ, xe tải dưới 2,5 tấn chạy trong dịp Tết Nguyên đán 2021.
Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ dài gần 23 km, vốn đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng, sẽ được khởi công tháng 11 tới. Dự án sau khi hoàn thành sẽ kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 và cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào năm 2023. Khi đó, đường cao tốc sẽ nối thẳng từ TPHCM đến Cần Thơ.
Cao tốc Cần Thơ – Cà Mau được Thủ tướng giao Bộ GTVT nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trước năm 2030. Trong đó, đoạn Cần Thơ – Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Còn đoạn Bạc Liêu – Cà Mau, UBND Cà Mau được giao chuẩn bị đầu tư dự án, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa trong giai đoạn 2021-2025.
Đây là một trong hai cao tốc trục dọc ở ĐBSCL sẽ đấu nối hai trục ngang, tạo kết nối qua hầu hết các tỉnh thành trong vùng. Tuyến đường góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, kết nối các trung tâm kinh tế, khu đô thị mới và đầu mối giao thông trên địa bàn các tỉnh, thành…
Tính đến hết năm 2020, cả nước mới đưa vào khai thác khoảng 1.163km đường bộ cao tốc so với yêu cầu 2.000 km. Những tác động, hiệu ứng rất tích cực từ hàng loạt tuyến cao tốc đã được đưa vào khai thác như Hà Nội – Hải Phòng, Vân Đồn – Hạ Long; Bắc Giang – Lạng Sơn; TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây… tới hoạt động kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư của các địa phương dọc các tuyến cao tốc đã khẳng định việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược, có vai trò đi trước mở đường là hoàn toàn chính xác.