Năm 2021 hi vọng kinh tế tăng trưởng kích cầu nhiều mặt phát triển. Phân khúc sản phẩm tầm trung, khách hàng có nhu cầu mua để ở vẫn là nhóm khách hàng tiềm năng vì nhu cầu nhà ở luôn ở mức cao. Trong khi đó, nhóm khách hàng đầu tư sẽ giảm mạnh so với trước đây do tác động của dịch bệnh.
Năm 2020 lực cầu tuy giảm, nhưng bất động sản lại thu hút đầu tư ngoài ngành tốt khi có thêm khoảng 30% lượng cầu mới ngoài ngành, bên cạnh sự hỗ trợ từ đầu tư công mạnh. Ngoài ra, với hơn 15 tỷ USD kiều hối, nguồn tiền này sẽ giúp “bơm máu” cho thị trường bất động sản. Thị trường chứng khoán trong xu hướng tăng cũng tạo đà hưng phấn, đặc biệt, với triển vọng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng cao sẽ kích thích nhu cầu mua nhà tăng trở lại.
Năm 2021, để có được tăng trưởng 6,7-7% đầu tư tư nhân phải phục hồi. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực chính thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau. Năm 2021 là năm đầu của nhiệm kỳ mới, vẫn trong bối cảnh phục hồi từ năm 2020, đầu tư tư nhân có thể phục hồi nhưng để đảm bảo tăng trưởng chúng ta vẫn phải tăng đầu tư cơ sở hạ tầng trong năm 2021.
Ngoài ra, sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng, trong số 30 doanh nghiệp Nhật Bản thông báo chuyển nhà máy ra nước ngoài thì có 15 doanh nghiệp chọn Việt Nam là điểm đến. Đây là chuyện chưa từng có trước đây với nhiều doanh nghiệp thuộc top đầu ở Nhật Bản.
Hay như lãi suất, hiện là thời điểm lãi suất về mức thấp nhất trong 15 năm qua, góp phần làm giảm chi phí mua nhà hay đầu tư… Mặt khác, tăng trưởng kinh tế năm 2021 dự báo ở mức cao từ 6,5-7% nên ngành bất động sản có thêm nền tảng để tăng trưởng tích cực.
Bất chấp nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, thậm chí tăng trưởng âm, thị trường chứng khoán trên thế giới và Việt Nam vẫn tăng trưởng cao. Giảng viên Trường Đại học Fulbright cho rằng, khí thế rất lạc quan đó nhờ vào niềm tin của các nhà đầu tư. Trong lần khủng hoảng này, dù Covid có nặng nề đến đâu hệ thống tài chính vẫn đứng vững và chính sách vẫn mang tính hỗ trợ.
“Với niềm tin đó, chúng ta đang tập trung mọi nguồn lực để giữ cho nền kinh tế hoạt động trong bối cảnh dịch Covid chưa được đẩy lùi. Chúng ta vẫn tiếp tục bơm tiền, vẫn tiếp tục các gói tài khoá mà tạm thời quên đi những hệ luỵ của nó – rủi ro nợ sẽ tăng. Nợ Chính phủ và tư nhân sẽ tăng ở tất cả các nền kinh tế trong đó có Việt Nam.
Đương nhiên khi nợ tăng sẽ là căng thẳng tài chính. Nếu như không phải trong năm 2021 thì trong 5 năm tới, rủi ro nợ tăng chắc chắn sẽ phải xảy ra. Vì vậy, thách thức trong 5 năm tới là làm sao hút về được tiền đã bơm ra trong giai đoạn vừa qua, tái cấu trúc lại, giảm được khoản nợ của khu vực nhà nước, khu vực tư nhân”, ông Nguyễn Xuân Thành.
Thị trường chứng khoán và bất động sản đã khởi sắc hơn trong năm 2020, nhưng cũng là lúc “bom nợ” được đề cập tới. Vì thế, năm 2021 sẽ cần nhiều hơn sự khéo léo từ điều hành chính sách tiền tệ và quan trọng nhất vẫn là tạo ra sự ổn định và hỗ trợ cho quá trình phục hồi kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) cho biết, dù 6 tháng cuối năm 2020 có 2 đợt dịch bùng phát nhưng thị trường vẫn thể hiện được nội lực vốn có, nhiều dự án về đích đúng hạn, nguồn cung mới cả năm vẫn đạt gần 60.000 sản phẩm, đạt 87,6% so với năm 2019.
“2021 cũng là năm đầu nhiệm kỳ mới trong chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp nên có thể tạo nên nhiều xung lực cho thị trường tới từ các nỗ lực thu hút đầu tư, triển khai dự án… Năm 2021 cũng khó có khả năng xảy ra bong bóng nên các dự án sẽ phát triển theo hướng bền vững hơn”, ông Đính nói.
Năm 2020 đã có 74.500 sản phẩm giao dịch thành công, một số địa phương có tỷ lệ hấp thụ cao, chẳng hạn như TP.HCM đạt trên 80%. Giá bất động sản cũng tăng ở nhiều nơi. Đây là kết quả ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 chưa được hoàn toàn khống chế.
Sau một năm 2020 nhiều sóng gió, thị trường bất động sản đang cho thấy nhiều yếu tố hỗ trợ để có thể tăng trưởng trong năm 2021.