Các doanh nghiệp BĐS chủ yếu huy động vốn từ tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên kể từ năm 2019, trái phiếu dần trở thành kênh huy động vốn thay thế.
Trái phiếu là kênh cần khuyến khích bởi vốn trung dài hạn của doanh nghiệp, đặc biệt ở lĩnh vực BĐS và một số ngành nghề phát triển sản phẩm mới cần nguồn vốn đầu tư từ lúc bắt đầu đến khi có hiệu quả kéo dài 5-7 năm như trường hợp Tesla.
Vingroup (Mã: VIC) hay Novaland (NVL) là những doanh nghiệp thành công trong việc niêm yết trái phiếu quốc tế từ khá sớm. Song, thị trường trái phiếu trong nước vẫn còn sơ khai trước năm 2020. Đến năm 2019, có thể nói CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) là doanh nghiệp tiên phong phát hành trái phiếu với lãi suất cao nhất thị trường, dao động 9,5-14,45%/năm.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến lo ngại việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất cao có thể phá vỡ đường cong lãi suất giữa trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp với lãi suất ngân hàng. Mặc khác, lãi suất trái phiếu cao cũng có thể gây rủi ro về thanh khoản cho chính tổ chức phát hành cũng như rủi ro cho trái chủ, nhất là những nhà đầu tư cá nhân.
Khoảng hai năm trở lại đây, không chỉ riêng Phát Đạt mà hàng loạt các doanh nghiệp BĐS niêm yết đã có sự dịch chuyển rõ nét từ vay vốn ngân hàng sang trái phiếu như Vinhomes (Mã: VHM), Novaland (Mã: NVL), Becamex IDC (Mã: IDC), An Gia (Mã: AGG),… Các doanh nghiệp sẵn sàng phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng, một phần vì doanh nghiệp được linh hoạt, không chịu sự giám sát chặt chẽ (đánh giá tài sản thế chấp, quá trình cho vay, giải ngân,…) từ nhà băng. Với mặt bằng lãi suất duy trì ở vùng thấp và khung pháp lý dần hoàn thiện, kênh trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho chiến lược tái cấu trúc vốn và đa dạng hóa nguồn huy động cho các doanh nghiệp”.
Trong 10 tháng đầu năm nay, nhiều thương vụ trái phiếu có giá trị lớn nhỏ được các doanh nghiệp phát hành để cơ cấu nợ, đảo nợ, phát triển dự án, M&A,… Gần đây nhất, Sunshine Homes huy động 2.400 tỷ đồng trái phiếu cho dự án tại Mũi Né; Geleximco huy động 1.400 tỷ đồng trái phiếu cho Khu du lịch Quốc tế Đồi Rồng; nhóm doanh nghiệp Novaland phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu để phát triển các dự án nghỉ dưỡng ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Phan Thiết và M&A các dự án mới tại Đồng Nai,… Nhìn chung, các doanh nghiệp liên tục xoay dòng vốn và đảm bảo tất toán trái phiếu đúng hạn hoặc trước hạn.
Chúng ta không nên xem trái phiếu là kênh nguy hiểm mà hãy xem đây là một bước đi đã được mong đợi từ lâu. Huy động vốn gồm cả cổ phiếu và trái phiếu, hiện nay chúng ta chỉ mới làm được một phần. Các thương vụ trái phiếu có giá trị hàng nghìn, hàng chục nghìn tỷ đều do công ty chứng khoán liên kết với ngân hàng đứng ra thu xếp như CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, Mã: TCB), CTCP Chứng khoán VPS và Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, Mã: VPB),…
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, trái chủ của nhiều lô trái phiếu lớn được công bố là công ty chứng khoán và tổ chức tín dụng trong nước. Điều này dẫn đến nghi ngại dòng tiền mua trái phiếu đến từ ngân hàng, về bản chất vẫn là vốn từ ngân hàng, chỉ khác hình thức.
Từ năm 2019, NHNN bắt đầu ra chỉ thị siết chặt huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các ngân hàng thương mại (NHTM). Việc giảm tỷ lệ cho vay khiến các NHTM không còn dư địa cho các công ty BĐS vay trung dài hạn.
Hệ quả là các công ty BĐS buộc phải huy động vốn từ những kênh khác. Trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu bùng nổ từ cuối năm 2019.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)