Nhóm ngành bất động sản ghi nhận giá trị phát hành thành công đạt 150 tỷ đồng, giảm tới 98,7% so với tháng trước, chiếm 1,4% tổng giá trị phát hành riêng lẻ.
Có 30 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 9/2020 với giá trị phát hành 10.521 tỷ đồng, trong đó có khoảng 90% đến từ các ngân hàng, còn nhóm doanh nghiệp bất động sản – đối tượng đứng đầu về lượng cung trái phiếu từ đầu năm đến nay, chỉ phát hành vỏn vẹn 150 tỷ đồng, tỷ trọng chưa đến 1,43%.
Trong khi đó, tháng 8/2020, nhóm bất động sản đứng đầu danh sách phát hành trái phiếu với tỷ lệ 30,39% trong tổng số gần 39.399 tỷ đồng phát hành thành công, tương đương 11.670 tỷ đồng; còn tháng 7/2020, lượng trái phiếu địa ốc cũng lên tới 6.993,9 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 35,07%.
VNDIRECT cho rằng, nguyên nhân khiến thị trường TPDN hạ nhiệt trong tháng 9 đến từ việc Nghị định 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực từ ngày 01/09/2020 đã thắt chặt các điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp như tiêu chuẩn đối với tổ chức phát hành, giới hạn số lượng nhà đầu tư, thêm điều kiện đối với các tổ chức tư vấn phát hành.
Mặt khác, phần lớn các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành TPDN đã đẩy nhanh phát hành trái phiếu trong tháng 8, trước thời điểm Nghị định 81/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực khiến giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phát hành tháng 8 tăng đột biến 136,5% so với tháng trước, lên tới 93.951 tỷ đồng. Do đó bước sang tháng 9, số doanh nghiệp có nhu cầu phát hành TPDN đã giảm mạnh.
Báo cáo mới đây của VNDIRECT cho hay, trong tháng 9/2020, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) phát hành ra thị trường đạt 12.981 tỷ đồng, giảm 88,8% so với tháng trước; trong đó 10.522 tỷ đồng là TPDN phát hành riêng lẻ, còn lại 2.459 tỷ đồng là TPDN phát hành ra công chúng.
Trước đó, báo cáo của SSI Research cũng cho hay, trong quý III/2020, các doanh nghiệp phát hành tổng cộng 164,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu, tăng 29% so với quý trước và tăng 95% so với cùng kỳ 2019.
Xét về cơ cấu, các doanh nghiệp bất động sản phát hành 137,5 nghìn tỷ đồng chiếm 40,3%; ngân hàng phát hành 95,6 nghìn tỷ đồng chiếm 28%; doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản phát hành 27,8 nghìn tỷ đồng chiếm 8,2%; các định chế tài chính khác phát hành 9 nghìn tỷ đồng chiếm 2,7%; doanh nghiệp phát triển hạ tầng phát hành 6,7 nghìn tỷ đồng chiếm 2%; còn lại là các doanh nghiệp khác.
SSI Research nhận định, tỷ lệ phát hành thành công của tất cả các nhóm đều cải thiện, trong đó mạnh nhất là nhóm trái phiếu bất động sản khi tăng từ mức 87,5% (năm 2019) lên tới 97,2% (9 tháng năm 2020).
Trong bản báo cáo “Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam” do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa xuất bản, cơ quan này nhận định, sau nhiều năm tăng trưởng chậm, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã khởi sắc đáng kể, thế nhưng sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam hiện cũng tiềm ẩn rủi ro, chủ yếu bởi có rất ít doanh nghiệp phát hành trái phiếu có xếp hạng tín nhiệm công khai.
Theo ADB, việc xếp hạng tín nhiệm khá hiếm bởi Việt Nam hiện vẫn thiếu cơ quan xếp hạng tín nhiệm trong nước. Hai công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép (công ty thứ nhất trong năm 2017 và công ty thứ hai vào tháng 3/2020) đều chưa hoạt động.
“Việc thiếu văn hóa xếp hạng tín nhiệm đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính, đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần một phần tư tổng lượng trái phiếu phát hành”, báo cáo của ADB nhận định.
Ngoài ra, một vấn đề nữa rất ít được đề cập tới là tình trạng thưa thớt và dường như chưa làm tròn trách nhiệm trong việc công bố thông tin thường xuyên của các đơn vị phát hành trái phiếu.
Thực tế, sự dịch chuyển huy động vốn từ kênh tín dụng ngân hàng sang kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp phù hợp với “Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc nhiều doanh nghiệp liên tục phát hành trái phiếu mà không công bố mục đích sử dụng vốn, hoặc phát hành vượt quá quy mô vốn chủ sở hữu…, tiềm ẩn rủi ro cho cả doanh nghiệp phát hành và trái chủ.