Qua thống kê, TPHCM có 18 dự án với tổng số 9.413 căn phải tạm ngừng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất…
Theo đó, trong quá trình giải quyết hồ sơ, Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM nhận được nhiều văn bản của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền như thanh tra, kiểm toán, công an… có liên quan đến nhiều dự án phát triển nhà ở trên địa bàn TPHCM với nội dung đề nghị cung cấp hồ sơ tài liệu để phục vụ công tác.
Lý do nữa là các quyết định đề nghị tạm dừng giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai do rà soát quá trình giao đất, chuyển nhượng, góp vốn thực hiện dự án, chuyển mục đích sử dụng đất, rà soát lại phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp, xác định lại nghĩa vụ tài chính.
Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM đã có văn bản xin ý kiến về việc cấp sổ hồng cho người mua nhà trong dự án nêu trên có ảnh hưởng đến kết quả điều tra, giải quyết vụ án. Trường hợp có ý kiến tạm dừng, đề nghị thông báo cho Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM biết để thực hiện theo quy định.
Các trường hợp dự án đã có ý kiến tạm dừng do đang xét xử của tòa án, có văn bản phong tỏa của cơ quan điều tra, quyết định tạm dừng của cơ quan thi hành án thì Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM tạm ngưng việc cấp sổ hồng.
Ngoài ra còn có nhiều loại hình bất động sản mới chưa có quy định về cấp giấy chứng nhận cũng đang bị tạm ngưng.
Theo Sở Tài nguyên Môi trường TPHCM, thực tế, có nhiều dự án bao gồm rất nhiều loại hạng mục công trình, trong đó có mục công trình xây dựng được thiết kế, cấp phép xây dựng để sử dụng vào mục đích sử dụng hỗn hợp như làm căn hộ lưu trú (căn hộ cho thuê) hoặc văn phòng kết hợp lưu trú (officetel, condotel, shophouse).
Do trước đây pháp luật về đất đai không quy định về các loại hình bất động sản này và các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền còn có nhiều ý kiến trái chiều, chưa thống nhất trong việc xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sở hữu công trình, đối tượng được cấp giấy chứng nhận cho chủ đầu tư hay người mua.
Tổ công tác đã rà soát 180 dự án tại TP.HCM, 170 dự án tại TP.Hà Nội, 75 dự án tại Đà Nẵng, 65 dự án tại Hải Phòng và 79 dự án tại TP.Cần Thơ… Ngoài ra, Tổ công tác nhận được 71 văn bản đề nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp (DN) liên quan 121 dự án bất động sản (BĐS). Ngay sau đó, Tổ công tác đã có văn bản gửi các địa phương, Bộ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ Tài nguyên – Môi trường để các địa phương, bộ ngành tập trung hướng dẫn, giải đáp, tháo gỡ ngay từng dự án.
Tại TP.HCM, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh cho biết Tổ công tác đang rà soát để tháo gỡ 30 dự án cụ thể. Các dự án này vướng mắc liên quan đến nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, quy hoạch, đến đầu tư và đấu thầu và liên quan đến đất đai. Trong khi đó tại Đồng Nai, Tổ công tác rà soát có 7 dự án liên quan các DN lớn như: Novaland, Hưng Thịnh, DIC, Tổ công tác nhận diện khó khăn vướng mắc liên quan đến quy hoạch: sự không phù hợp giữa quy hoạch chung, quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết và các dự án.
Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án tại Đồng Nai, mới đây ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch tỉnh Đồng Nai, đã kiến nghị Thủ tướng về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn tỉnh, trong đó có kiến nghị về điều chỉnh quy hoạch chung của TP.Biên Hòa (Đồng Nai), về nhà ở xã hội. Những kiến nghị này trước đó đã được Tổ công tác thống nhất cùng UBND tỉnh và các DN để tháo gỡ. Theo đó, khi tỉnh Đồng Nai thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ tiến hành xem xét điều chỉnh các quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án BĐS đã triển khai trước đó cho phù hợp thực tế.
Theo thông tin từ Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), tính đến thời điểm hiện tại đã có 11 dự án BĐS tại TP.HCM có chủ trương gỡ vướng pháp lý và hỗ trợ cho phép được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, cấp sổ hồng cho khách hàng, cho dự án triển khai trở lại.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Thanh Niên)