Ngày 28/5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã thông tin bổ sung, làm rõ thêm về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án vành đai 3 TP.HCM hơn 76km.
Thông tin này được đưa ra sau sự việc Kiểm toán Nhà nước cho rằng việc TP.HCM dự kiến bán đấu giá đất dọc dự án vành đai 3 TP.HCM chỉ 15 triệu đồng/m2, trong khi giá đền bù đất dân cư trong giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2 nên cần tính toán lại.
Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND TP.HCM rà soát lại phương án tài chính đảm bảo lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp. Kiểm toán Nhà nước chỉ ra dự án đề xuất cơ chế đặc thù là sau khi dự án đưa vào khai thác sử dụng sẽ tổ chức thu phí để thu hồi vốn.
Ban Giao thông cho biết, về thông tin đơn giá đất thương mại dự kiến đấu giá, TP.HCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường TP phối hợp với các địa phương nơi có dự án đi qua khảo sát, tính toán sơ bộ đơn giá các khu đất dọc theo dự án tối thiểu dự kiến 15 triệu đồng/m2. Đơn giá này chưa bao gồm chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật – xã hội.
Sau khi dự án được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, quá trình xây dựng tuyến đường vành đai 3 cùng với đầu tư các tuyến đường kết nối với các khu đất dọc theo dự án, lợi thế tiềm năng sẽ tăng lên. Từ đó, giá trị các khu đất đấu giá cũng sẽ tăng lên.
Đối với giá đền bù đất dân cư trong công tác giải phóng mặt bằng là 26 triệu đồng/m2, sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được lập trên cơ sở khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến và các đơn giá đất, tài sản trên đất, mức hỗ trợ áp dụng tại thời điểm 2022. Kinh phí này đã tính bao gồm cả dự phòng phí 10% và kinh phí dự kiến để xây dựng hạ tầng khu tái định cư…
Đại diện Ban Giao thông cho hay: “Ở các bước tiếp theo, TP.HCM sẽ thực hiện công tác đo vẽ, kiểm kê, thẩm định giá, xây dựng và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án theo đúng quy định. Việc này đảm bảo sẽ tính đúng, tính đủ và đã tính đến các chính sách về đào tạo nghề, sinh kế cho người dân, đảm bảo cho người dân tái định cư có nơi ở mới tốt hơn”.
Đồng thời, đơn vị cũng cho biết các địa phương cam kết hoàn toàn đảm bảo nguồn vốn theo tiến độ đề ra. Theo đó, vốn ngân sách địa phương tham gia dự án trong năm 2023-2024 chủ yếu tập trung đối với TP.HCM khoảng 13.326 tỷ đồng và Bình Dương 5.350 tỷ đồng.
Theo Ban giao thông, quá trình nghiên cứu, dự án vành đai 3 cũng đã được xem xét, phân tích tính hiệu quả khi đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) với nhiều kịch bản khác nhau. Tuy nhiên, các kịch bản đều có tính khả thi rất thấp, tỉ lệ vốn của nhà đầu tư tham gia vào dự án thấp và thời gian thu hồi vốn kéo dài dẫn đến khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Về thuận lợi khi đầu tư công, dự án cao tốc vành đai 3 là đường vành đai đô thị, đi qua các khu vực đô thị, khu dân cư và định hướng trong tương lai phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị mới… Nhà nước tổ chức thu phí không có tính chất hoàn vốn như đầu tư theo hình thức PPP (không tính lợi nhuận cho nhà đầu tư, lãi vay).
Theo đó, ông Lương Minh Phúc – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông) đánh giá về sự cần thiết làm đường song hành hai bên.
Theo đó, phần cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt. Do đó, việc làm đường song hành hai bên là cần thiết để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, kết nối với khu đô thị, khu dân cư; phục vụ phát triển khu công nghiệp, khai thác quỹ đất dọc tuyến…
Bên cạnh đó, việc bố trí làn khẩn cấp, dự án đã bố trí các điểm dừng xe khẩn cấp (không liên tục) với khoảng cách 4-5km/điểm. Mỗi điểm dừng xe khẩn cấp được thiết kế với chiều rộng 3m, dài 270m.
Việc bố trí làn khẩn cấp như trên được thực hiện theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải về hướng dẫn thiết kế và tổ chức giao thông trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng ở cao tốc.
Tổng Hợp