TP.HCM sẽ chủ động điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch một số dự án phát triển đô thị trọng điểm, khu vực trung tâm để tăng tính khả thi, khai thác tối đa nguồn lực phát triển kinh tế.
Quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam diễn ra đồng thời giữa hình thành đô thị mới với chỉnh trang đô thị hiện hữu. Điều này đòi hỏi phải có sự đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, các dự án bất động sản và phối hợp liên ngành giao thông, tiện ích, cùng với hạ tầng công nghệ… Tất cả đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức trong việc xây dựng, phát triển đô thị đáng sống trong tương lai.
TP.HCM đang xây dựng kế hoạch lập các quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc dọc các tuyến đường quan trọng, các khu vực ven sông, kênh, rạch với 17 khu vực. Điển hình như khu vực xung quanh các nhà ga tuyến metro số 2, cao tốcTP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, quốc lộ 1A, đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Vành đai 2, Vành đai 3, khu vực đường Hàm Nghi, Đồng Khởi, Lê Lợi (quận 1), làng đại học, phường Bình Thọ (quận Thủ Đức)…
Trong giai đoạn 2021-2030, TP.HCM đang hướng tới việc quy hoạch bền vững và khôi phục vị thế “hòn ngọc viễn Đông” với mục tiêu trở thành siêu đô thị văn hóa, trung tâm công nghiệp dịch vụ tiên tiến của khu vực Đông Nam Á và Đông Á.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan vừa yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc tham mưu thành phố về các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng chính cho từng trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông như khu trung tâm tài chính, trung tâm thể thao Rạch Chiếc, trung tâm sản xuất tự động hóa, khu công viên khoa học…Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có báo cáo xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 đối với 3 khu vực nhằm sớm thực hiện các dự án.
Thứ nhất, khu vực Linh Trung, kết nối giữa Đại học Quốc gia TP.HCM – Trung tâm Công nghệ giáo dục và Khu Công nghệ cao Thành phố (SHTP) – Trung tâm sản xuất tự động có diện tích điều chỉnh khoảng 28ha. Trong đó, 14,5ha đất dành cho công trình giáo dục; 4,02ha đất hạ tầng kỹ thuật; 3,5ha đất dân cư xây dựng cao tầng; 5,65ha bãi xe và công viên cây xanh. Khu vực này dự kiến có thể hình thành một trung tâm đổi mới và khởi nghiệp theo hướng sử dụng hỗn hợp mạnh mẽ.
Thứ hai, khu Tam Đa – trung tâm công nghệ sinh thái, thuộc phường Trường Thạnh, quận 9 có diện tích 25ha. Hiện trạng khu đất là quỹ đất an ninh quốc phòng quân sự. Chức năng dự kiến điều chỉnh cho khu vực này là xây dựng trung tâm khu vực trọng điểm Trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa, là nơi tạo cơ hội phát triển cho toàn khu vực.
Thứ ba là khu Trường Thọ – đô thị tương lai thuộc phường Trường Thọ, quận Thủ Đức với diện tích khoảng 8ha. Hiện trạng khu đất là nhà máy thép Thủ Đức đang hoạt động.
Đối với việc quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, hiện nay, TP.HCM đang lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/5.000, tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc.
Thời gian qua tỷ lệ đô thị hóa của TP.HCM ngày càng tăng, diện tích đất xây dựng đô thị ngày càng lớn dẫn tới quỹ đất phát triển trên mặt đất ngày càng hạn chế. Vì vậy, việc phát triển không gian ngầm sẽ tạo ra nguồn lực không gian dưới mặt đất để khai thác, phục vụ người dân và phát triển kinh tế.
Mới đây, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về phương án lập quy hoạch, quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị áp dụng cho thành phố trước mắt đối với 2 khu vực trọng điểm. Đó là khu trung tâm hiện hữu (930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (657ha).
Theo Sở Quy hoạch – Kiến trúc, quy hoạch không gian ngầm được nghiên cứu trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của khu trung tâm hiện hữu mở rộng 930ha và Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó chỉ xác định sơ bộ vị trí, phạm vi và điểm kết nối.
Sở Quy hoạch – Kiến trúc cho rằng quy hoạch không gian ngầm là nội dung mới trong 2 đồ án quy hoạch phân khu chỉ dừng lại ở khâu nghiên cứu sơ bộ, chưa đáp ứng được các yêu cầu về chức năng, mối liên kết, giá trị khai thác sử dụng… để kêu gọi đầu tư.
Song song đó, thành phố lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị cảng Hiệp Phước, phê duyệt pháp lý về quy hoạch Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa cũng như tổ chức lập thiết kế đô thị dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh tại khu đô thị nam thành phố.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025. Còn đối với quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh tổng thể.
Có 4 yếu tố cần cân nhắc bao gồm lồng ghép yếu tố thiên nhiên vào trong việc thiết kế, nhưng cần để tự nhiên phát triển theo hướng vốn có của nó. Ngoài ra, yếu tố nhận dạng, khả năng chống chịu, yếu tố lưu thông không khí đang ngày càng quan trọng trong thiết kế một dự án. Để có một thành phố thông minh, việc thiết kế nên dựa trên những ứng dụng kết nối, có khả năng tạo ra cộng động sản sinh nguồn nguyên liệu hữu cơ.