Tín dụng tăng thấp do nhiều doanh nghiệp khó khăn. Nhưng vì sao doanh nghiệp không dám ‘gõ cửa’ vay ngân hàng?
Lãnh đạo một ngân hàng Big 4 đánh giá, khác với năm 2022, nhu cầu tín dụng năm nay dự báo khó khăn, ngoài đơn hàng sản xuất sụt giảm, thị trường bất động sản đóng băng là một phần nguyên nhân.
Những năm gần đây, tín dụng cho bất động sản luôn cao hơn trung bình. Dư nợ tín dụng bất động sản năm 2022 đạt khoảng 2,58 triệu tỷ đồng, tăng hơn 24% và là một trong những lĩnh vực được giải ngân với mức tăng cao nhất. Tuy nhiên năm nay, thị trường khó khăn khiến tín dụng vào kênh này khả năng chậm lại. Việc mở rộng cho vay cũng không dễ trong bối cảnh các tài sản có pháp lý của nhóm bất động sản hầu hết đã được sử dụng cho các khoản vay cũ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng – đánh giá, giá bất động sản tăng cao, sản phẩm cứ ra là bán hết, ngân hàng cũng thích cho vay. Nhưng khi thị trường đóng băng, các nhà băng phải phòng thủ để đảm bảo nguyên tắc an toàn vốn.
“Giai đoạn này, ngân hàng khó giải ngân cho doanh nghiệp bất động sản do vướng mắc ở khâu pháp lý, bản thân họ còn đang có những khoản nợ khách hàng, nợ trái phiếu”, ông Hùng nói.
Tại cuộc họp báo chiều 31/3, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng tính tới ngày 28/3 tăng 2,06% so với cuối năm 2022, tăng hơn 11% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN đánh giá mức tăng này “không cao” so với giai đoạn cuối năm 2022. Nguyên nhân bởi sức cầu yếu từ phía doanh nghiệp.
“Khó khăn doanh nghiệp hiện nay là một vấn đề. Nhu cầu tín dụng của một số một số lĩnh vực chững lại”, ông Tú nói
Lãnh đạo NHNN cho biết, đã gặp nhiều hiệp hội, doanh nghiệp để nghe báo cáo, phản ánh khó khăn. “Một phần họ thiếu đơn hàng, tồn kho, sản xuất bị ngưng trệ”, Phó Thống đốc nói.
Theo đó, NHNN đề xuất chính sách giãn, hoãn nợ hỗ trợ đối với một số ngành nghề, lĩnh vực đang gặp khó khăn. Khi Chính phủ có nghị quyết về chính sách này, NHNN sẽ kịp thời ban hành thông tư hướng dẫn.
Ông Tú thông tin, chính sách sẽ hỗ trợ cho những đối tượng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan. Dòng tiền của doanh nghiệp đang có những vấn đề không được như mong muốn. Đối tượng nào, ngành nghề nào được hỗ trợ sẽ tính toán nhằm đảm bảo giúp doanh nghiệp vượt qua được khó khăn. Đồng thời, chính sách cũng phải đảm bảo độ an toàn và bản chất nợ của nền kinh tế. Không để xảy ra tình trạng nợ xấu bị che giấu dưới hình thức giãn, hoãn này”, ông Tú nhấn mạnh.
Từ ngày 3-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh giảm 0,3-0,5 điểm phần trăm (%) lãi suất điều hành tạo cơ sở cho đầu vào đi xuống để kéo giảm thêm lãi suất cho vay.
Cụ thể, giảm 0,5 điểm % lãi suất tái cấp vốn (lãi suất áp dụng cho các ngân hàng thương mại (NHTM) vay vốn từ NHNN. Tại các NH, lãi suất tối đa tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 1% xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% xuống 5,5%/năm…
Theo NHNN, đây là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế. Qua đó, NHNN tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế.
Lãnh đạo nhiều NHTM cho rằng việc giảm lãi suất của NHNN sẽ giúp các NH này giảm chi phí đầu vào, trên cơ sở đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Mặt khác, động thái giảm lãi suất tái khẳng định định hướng về xu hướng giảm lãi suất thời gian tới, thúc đẩy NHTM giảm lãi suất cho vay, đồng hành với DN và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, NHNN tiếp tục giảm trần lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống 4,5%/năm sẽ tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn với chi phí thấp hơn trong các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Về động thái mới của NHNN lần này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, cho rằng lần điều chỉnh này sẽ tác động rõ nét hơn khi giảm cả lãi suất tái cấp vốn (một số NHTM có nhu cầu vay tái cấp vốn sẽ phải trả lãi suất thấp hơn). Đồng thời, giảm trần lãi suất huy động sẽ giúp có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Thực tế, áp lực tăng lãi suất và tỉ giá đã và đang giảm đáng kể nhưng sự cố 3 NH quốc tế phá sản gần đây khiến thị trường tài chính Mỹ, Anh và toàn cầu biến động mạnh hơn, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ cân nhắc điều chỉnh chính sách lãi suất theo hướng tăng ít hơn đến giữa năm 2023, rồi có thể tạm dừng lại, thậm chí có thể giảm nhẹ lãi suất từ quý II/2024. Theo đó, áp lực lãi suất, tỉ giá đối với Việt Nam đã và đang giảm đáng kể.
“Việc giảm lãi suất sẽ góp phần hỗ trợ DN về nghĩa vụ tài chính, nhất là trong bối cảnh áp lực trái phiếu đáo hạn tăng; xuất khẩu, sản xuất – kinh doanh và tiêu dùng chậm lại, dù đang cải thiện từ tháng 2-2023. Tất nhiên, người gửi tiền có thể sẽ nhận lãi suất thấp hơn một chút so với trước nhưng mặt bằng lãi suất thấp hơn là điều mà đa số DN, người dân mong đợi” – TS Cấn Văn Lực nói.
Để chính sách giảm lãi suất phát huy tác dụng, TS Cấn Văn Lực cho rằng không chủ quan với lạm phát, vì lạm phát của Việt Nam còn cao, áp lực tăng còn khá lớn (do có độ trễ nhập khẩu lạm phát, giá một số mặt hàng do nhà nước quản lý có thể tăng như giá điện, phí y tế – giáo dục, lương cơ sở tăng từ ngày 1-7…, cung tiền năm nay khá lớn từ đầu tư công, tín dụng, kênh dẫn vốn khác được khơi thông tốt hơn).
Theo đó, cần nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách, nhất là giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, giá cả và các chính sách vĩ mô khác. Cần theo sát tình hình thị trường tài chính quốc tế để phân tích, dự báo và đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp, nhằm bảo đảm an toàn, ổn định hệ thống tài chính trong nước, cũng là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kiểm soát rủi ro hệ thống NH, chứng khoán.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Người Lao Động)