Nhà điều hành đã phải hà hơi tiếp sức liên tục, Chính phủ đã liên tục ban hành các Thông tư, hướng dẫn để nhanh chóng “ép” tiền ra nền kinh tế. Lãi suất giảm, dòng tiền từ tiết kiệm sẽ chảy dần ra các kênh chứng khoán, BĐS?
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới Hội sở Công ty Chứng khoán Mirae Asset, cho biết nền kinh tế VIệt Nam đã trải qua giai đoạn đứt gãy thanh khoản từ khoảng tháng 11/2022 đến tháng 2.
Nhà điều hành đã phải hà hơi tiếp sức liên tục, Chính phủ đã liên tục ban hành các Thông tư, hướng dẫn để nhanh chóng “ép” tiền ra nền kinh tế. Dưới góc độ điều hành, Chính phủ rất muốn duy trì đầu vào chi phí tài chính thấp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Mức lãi suất của Việt Nam nếu so với các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc vẫn ở mức cao. Hiện lãi suất cơ bản của Thái Lan khoảng 3%, Hàn Quốc khoảng 2-3% và Trung Quốc khoảng 4%. Chi phí tài chính cao khiến giá cả sản phẩm cao và làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.
Quyết định lãi suất giảm lãi suất điều hành lần 3 vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa mức lãi suất này về mức thấp nhất trong 18 năm qua. Cùng với đó các động thái tiếp theo của NHNN cũng đưa ra thông điệp rõ ràng về việc các ngân hàng “hãy giảm lãi suất đi”.
Vậy động thái này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới người gửi tiền, người vay tiền, các ngân hàng và các thị trường tài chính?
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, khi lãi suất thấp, những người gửi tiết kiệm sẽ bắt đầu có sự cân nhắc và dịch chuyển phân bổ tài sản của mình. Dòng tiền luôn là “smart money” luôn tìm kiếm tới các khoản đầu tư có lợi nhuận cao hơn, hấp dẫn hơn.
Tiền có thể chuyển từ kênh tiết kiệm sang các thị trường đầu tư khác như bất động sản (BĐS), thị trường chứng khoán nhưng sẽ có độ trễ. “Đối với kênh BĐS có thể trễn vài tháng sau nhưng với kênh chứng khoán thì sẽ nhanh hơn, có thể ngay từ tuần này, tháng sau luôn”, ông nói.
Trong thời gian qua, hoạt động sang nhượng sổ tiết kiệm theo đó cũng nở rộ. Có doanh nghiệp cuối tuần qua tuyên bố mua lại 1.500 tỷ trái phiếu nhưng chỉ mua lại được 600 trái phiếu.
Điều đó cho thấy các nhà đầu tư đang muốn giữ lại các loại tài sản có lợi tức cao trong lúc lãi suất tiền gửi giảm sâu. Lãi suất trái phiếu này có lãi suất là 10,5% cao hơn 30% so với lãi suất tiết kiệm hiện giờ.
Khi lãi suất điều hành giảm thì các ngân hàng sẽ hạ lãi suất tiết kiệm, chi phí vốn rẻ sẽ kéo theo việc giảm lãi suất cho vay đầu ra với các doanh nghiệp. Các Big4 là những ngân hàng tiên phong thực hiện sau đó tới loạt ngân hàng cổ phần.
Còn từ phía các ngân hàng thương mại, họ cũng phải đánh đổi. Lãi suất cho vay giảm khiến thu nhập lãi, NIM sẽ bị ảnh hưởng nhưng nợ xấu sẽ giảm bớt đi, tích cực với tăng trưởng tín dụng.
Chuyên gia cho biết trên thực tế, lãi suất vay giảm nhưng không phải cứ thế là doanh nghiệp sẽ đi vay ngay mà họ phải có đơn hàng, nhu cầu mở rộng sản xuất, phương án sản xuất kinh doanh thì mới cần nhu cầu vay vốn và vẫn có tình trạng “Kẻ ăn không hết, người lần chẳng ra”.
Nhóm cần tín dụng nhất thì lại khó tiếp cận tín dụng khi gặp các vấn đề như tài sản đảm bảo,… trong khi nhóm có khả năng quản trị rủi ro tốt thì lại không có nhu cầu vay.
“Với thị trường chứng khoán, các thống kê quá khứ cho thấy những lần lãi suất hạ chứng khoán đều tăng. Trong đó, những ngành thâm dụng vốn như bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi”, ông Tuấn nhận định.
Theo ông Huỳnh Minh Tuấn, thị trường chứng khoán không phản ánh nền kinh tế hiện tại mà thể hiện kỳ vọng của nền kinh tế ở thời gian tiếp theo. Khi lãi suất giảm, các nhóm ngành được kỳ vọng là BĐS, chứng khoán, vật liệu xây dựng, tiêu dùng nhưng đều cần thời gian.
Riêng với ngành ngân hàng thì phải nhìn xa hơn vì khi giảm lãi suất giảm một thời gian thì nợ xấu mới ổn định trở lại.
Chuyên gia cho biết điểm tích cực trong giai đoạn hiện tại là mặc dù khối ngoại bán ròng 10.000 tỷ nhưng thị trường vẫn sideway (biến động trong một khoảng hẹp). Điều đó chứng tỏ, khối nội đang hấp thụ cổ phiếu và chủ yếu là khách hàng cá nhân hay dòng tiền đang dần quay trở lại.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)