Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay mới hiện đã giảm 1 – 1,3 điểm%. Lãi suất bình quân cho vay đối với các khoản vay ngắn hạn là 5,5 – 5,7%/năm, vay trung ngắn hạn là 5,8 – 10%/năm.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá rằng, việc điều hành chính sách tiền tệ trong 9 tháng đầu năm 2023 đã rất mạnh mẽ, nới lỏng ngay từ đầu năm và linh hoạt trong suốt thời gian sau đó.
Thế nhưng, về cho vay, tính đến ngày 21/9, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng 5,91%, đến hết tháng 9 ước tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022, tổng dư nợ của nền kinh tế khoảng 12,63 triệu tỷ đồng. Phó Thống đốc Tú cũng lý giải, tín dụng tăng nhưng chậm hơn năm ngoái do những nguyên nhân khách quan, tác động từ bên ngoài cũng như khó khăn của doanh nghiệp trong nước.
Năm 2023, NHNN đã định hướng tăng trưởng tín dụng của toàn ngành khoảng 14-15% và đến cuối tháng 7 đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng với tổng mức tăng trưởng tín dụng là 14%.
Như vậy, mặc dù đã qua gần 2/3 chặng đường, ngành ngân hàng mới chỉ thực hiện được hơn 1/3 kế hoạch tăng trưởng tín dụng ngành đề ra, do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu.
Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Hà Thu Giang cũng cho hay, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước.
Nguyên nhân tín dụng tăng chậm chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm.Trong khi đó, một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, do tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
Ngoài ra, trước bối cảnh khó khăn của nền kinh tế, tác động lên hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp nên mức độ rủi ro cũng được đánh giá cao hơn nên ngân hàng rất khó khăn trong quyết định cho vay và không hạ được chuẩn tín dụng nhằm đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Với mặt bằng lãi suất cho vay đang từng bước được ngân hàng cắt giảm so đầu năm nay, mức giảm 1-3% đối với doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân, các ngân hàng kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm nay.
Thế nhưng, theo TS Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nếu phía cầu không có thì hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất – kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa” tiền.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh yếu do sức cầu giảm, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp khó khăn nên chưa thể triển khai các kế hoạch sản xuất, kinh doanh mới. Do đó, cầu về vốn của doanh nghiệp khó tăng cao, kể cả mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Vì vậy, tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng chỉ đạt đâu đó khoảng 12-13% so với mục tiêu ngành đưa ra là 14-15%. TS Trần Hùng Sơn, Giảng viên Trường đại học kinh tế Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng, tín dụng sẽ khó đạt mục tiêu 14% mà ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay, do sức cầu tín dụng yếu.
Thực tế, đến cuối tháng 8-9/2023, tín dụng ở các nhà băng vẫn tăng ở mức khiêm tốn như: ACB tăng 7% so với room được NHNN cấp là 14%; VIB tín dụng mới tăng khoảng 3% so với room được cấp 13-14%; Vietinbank đến cuối tháng 9/2023 tín dụng mới tăng 9%, nhưng lãnh đạo nhà băng này cho hay vẫn xa so với mục tiêu 14% mà NHNN đã cấp trước đó.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)