Trong giai đoạn 2022-2023, chính sách tiền tệ cần tiếp tục chủ động, linh hoạt, thích ứng, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế khác nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh, bền vững.
Linh hoạt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 13-14% (bao gồm cả phần tín dụng có hỗ trợ lãi suất nêu trên) giai đoạn 2022-2023. Trong giai đoạn này, cần cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn so với mức bình quân các năm trước, linh hoạt cho một số TCTD có chất lượng tài sản tốt, quản trị rủi ro tốt được tăng trưởng tín dụng cao hơn hạn mức được cấp trước đó. Đồng thời, cần kiểm soát chất lượng tín dụng, kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống TCTD (trong bối cảnh nợ xấu gia tăng – dự báo nợ xấu nội bảng ở mức trên 2% vào cuối năm 2021 và 2,3-2,5% trong năm 2022, nợ xấu gộp có thể tăng cao tới 7,1-7,7%, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14/2021 hết hiệu lực). Tuy nhiên, các TCTD có thể tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Phối hợp thực hiện chương trình cho vay tái cấp vốn các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở (như đề xuất trong dự thảo Chương trình phục hồi kinh tế). Theo đó, NHNN sẽ tái cấp vốn để các ngân hàng thương mại cho vay đầu tư xây nhà ở giá hợp lý, nhà ở xã hội; cải tạo và xây mới chung cư cũ…
Sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở để hỗ trợ các TCTD huy động vốn, duy trì lãi suất ở mức thấp, phấn đấu giảm thêm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay bình quân. Các công cụ nghiệp vụ thị trường mở cần được sử dụng linh hoạt để ổn định lãi suất và tỷ giá, đồng thời trung hòa các tác động tiêu cực của lạm phát trong bối cảnh chính sách tài khóa được mở rộng và tín dụng được nới lỏng hơn để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tiếp tục thực hiện cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất, phí cho khách hàng để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổ chức thực hiện Thông tư 03/2021 và Thông tư 14/2021 về cơ cấu lại nợ và giảm lãi suất, phí cho khách hàng để tiếp tục hỗ trợ giảm nghĩa vụ tài chính cho doanh nghiệp, tăng khả năng tiếp cận vốn, mặt khác giảm áp lực trích lập dự phòng rủi ro cho các TCTD, qua đó giảm bớt rủi ro cho ngành ngân hàng. Tiếp tục thực hiện chính sách điều hành tỷ giá chủ động, linh hoạt để duy trì ổn kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách tỷ giá cũng cần phối hợp với chính sách lãi suất và chính sách tài khóa để duy trì ổn định các cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng để thúc đẩy đà xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.
Đồng thời, tín dụng còn dư địa tăng trưởng. Tính đến hết tháng 10/2021, dư nợ tín dụng tăng 8,72% so với đầu năm và ước tính cả năm tăng khoảng 12-13%. Năm 2022-2023, tín dụng có thể tăng khoảng 13-14% (bao gồm cả phần tín dụng có hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi). Lãi suất hiện đã ở mức thấp trong 20 năm qua (lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên hiện là 4,5%/năm), lãi suất cho vay khoảng 6-7%/năm đối với kỳ hạn ngắn và từ 9-11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài năm 2021. Lãi suất thực (sau khi cấn trừ lạm phát) của Việt Nam hiện ở mức trung bình khu vực.
Dư địa chính sách tiền tệ hiện nay dù vẫn còn, song không nhiều trong điều kiện phải ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống ngân hàng.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)