Cơ sở là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng được cải thiện.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg về việc đôn đốc, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội. Có các giải pháp kịp thời, phù hợp để duy trì ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên…
Để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, các tổ chức tín dụng dự kiến nới lỏng nhẹ tiêu chuẩn tín dụng tổng thể và áp dụng với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên. Cơ sở là triển vọng kinh tế vĩ mô khả quan, chính sách và định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, cùng với năng lực tài chính của tổ chức tín dụng được cải thiện.
Trong diễn biến có liên quan, ở tuần giao dịch đầu tiên sau Tết Nguyên đán, thanh khoản hệ thống ngân hàng tiếp tục gặp áp lực và kênh thị trường mở (OMO) được cơ quan quản lý sử dụng nhằm hỗ trợ hệ thống. Ngân hàng Nhà nước đã bơm 14.400 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng thông qua nghiệp vụ mua kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 2,5%/năm. Tổng lượng tín phiếu đáo hạn trong tuần là 8.800 tỷ đồng, lượng tín phiếu lưu hành thông qua kênh OMO là 15.500 tỷ đồng. Mặc dù tổng lượng tín phiếu lưu hành không quá lớn so với các thời điểm căng thẳng trong quá khứ, nhưng diễn biến trên thị trường liên ngân hàng trong thời gian qua tương đối khác biệt, khi thanh khoản vẫn còn gặp nhiều khó khăn sau Tết.
“Chúng tôi cho rằng, có 2 lý do chính cho diễn biến trên, bao gồm việc tín dụng tăng mạnh trong vòng 2 tháng trở lại đây (trung bình 3 điểm phần trăm/tháng), đồng thời hoạt động cấp thanh khoản thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước trầm lắng. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh với kỳ hạn qua đêm kết thúc tuần ở 2,85%/năm (tăng 52 điểm phần trăm) và 1 tuần ở 2,93%/năm (tăng 75 điểm phần trăm)”, một chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán SSI nhận định.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 29/1/2022 đạt 2,74% so với cuối năm 2021. Như vậy, chỉ trong 3 ngày cuối tháng 1, tín dụng đã tăng gần 1 điểm phần trăm, phản ánh tín hiệu tích cực khi nhu cầu tín dụng tăng mạnh trong giai đoạn kinh tế hồi phục. Đồng thời, biểu lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng được điều chỉnh tăng ở một số ngân hàng, nhằm thu hút lượng tiền gửi nhàn rỗi vào hệ thống.
Trên thực tế, chênh lệch huy động – tín dụng giảm mạnh khiến áp lực huy động vốn của các ngân hàng thương mại gia tăng, trong khi kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ đạt khoảng 14 – 15% vào cuối năm nay.
Trong đợt nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng quý cuối năm 2021, MSB, TPBank và Techcombank được nâng lên mức 25%. Kết thúc năm 2021, tăng trưởng tín dụng hợp nhất của MSB năm 2021 thuộc Top 3 trên thị trường.
Theo điều tra của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước), mức độ rủi ro tín dụng tiếp tục được các tổ chức tín dụng dự báo tăng trong 6 tháng đầu năm 2022, nhưng tốc độ tăng dự kiến thấp hơn 6 tháng cuối năm 2021 và được kỳ vọng giảm nhẹ trong cả năm 2022 so với năm 2021. Trong đó, rủi ro tín dụng của một số lĩnh vực như cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, đầu tư công nghiệp hỗ trợ, đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, đầu tư ngành vận tải, kho bãi, kinh doanh xuất nhập khẩu và rủi ro tín dụng VND được kỳ vọng sẽ giảm.
Tổng Hợp