Thực tế cho thấy, nhu cầu vay vốn giảm do dịch cũng như mặt bằng lãi suất cho vay thấp đã và đang tác động tới hoạt động tín dụng, nhưng các ngân hàng có thể bù lại bằng việc tăng quy mô cho vay, đồng thời tăng thu ngoài lãi nhờ đẩy mạnh số hóa. Tín dụng ở nhiều ngân hàng đã tăng trở lại từ tháng 10…
Tại VietinBank (mã CTG), tính đến cuối tháng 10/2021, tổng tài sản và tổng nguồn vốn của ngân hàng này tăng khoảng 8%, trong đó nguồn vốn thị trường 1 (khu vực dân cư và tổ chức) tăng 10%; tín dụng tăng 8%; ROA đạt 1,3% và ROE đạt 16,1%. Hệ số an toàn vốn (CAR) đạt hơn 9%, NIM đạt khoảng 3%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, VietinBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 13.910 tỷ đồng, tăng 34,2% so với cùng kỳ năm 2020. Đáng chú ý, dự kiến cuối năm 2021, VietinBank sẽ trích lập 17.000 tỷ đồng chi phí dự phòng, đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 169%, tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,4%. Tính đến cuối tháng 9/2021, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,6%, trong đó nợ nhóm 2 vào khoảng 0,62%. Tổng dư nợ cơ cấu theo Thông tư 01, Thông tư 03 là 10.392 tỷ đồng với khoảng 2.000 khách hàng. “Mặc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng VietinBank vẫn sẽ đảm bảo thực hiện đúng các chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Định hướng của Ngân hàng là tăng cường huy động vốn ngắn hạn, tăng CASA, đồng thời tăng thu ngoài lãi, phát triển tín dụng phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ”, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Bình Minh cho hay.
Theo ông Hoàng Linh, Phó giám đốc tài chính VIB (mã VIB) cho biết, những chính sách hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 như giảm lãi suất đối với khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, miễn, giảm các loại phí giao dịch, cơ cấu lại thời gian trả nợ… đã phần nào phản ánh vào thu nhập lãi thuần (NII) và biên lãi ròng (NIM) quý III/2021 của Ngân hàng, khi các chỉ số này giảm nhẹ so với quý II. “Tuy nhiên, cả NII và NIM của VIB dự kiến sẽ tăng mạnh trong quý IV/2021 khi phần lớn khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Tại VIB, yếu tố tăng trưởng và chất lượng danh mục cho vay luôn được cân bằng nhằm đảm bảo chất lượng tín dụng từ đầu nguồn”, ông Hoàng Linh nói và chia sẻ thêm, tỷ lệ nợ xấu của VIB trong quý III/2021 ở mức 1,57% – tăng nhẹ so với quý II, nhưng vẫn thấp hơn mức 1,76% của cùng kỳ năm 2020.
Nhờ đa dạng hóa nguồn thu nhập, giảm thiểu các tác động từ thị trường, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 3 quý đầu năm nay của VPBank đạt hơn 11.700 tỷ đồng, tăng gần 25% so với cùng kỳ 2021và vượt hơn 70% kế hoạch cả năm, riêng lợi nhuận Ngân hàng mẹ chiếm gần 93%. Trong 9 tháng qua, VPBank thu hút hơn 2,6 triệu khách hàng mới, tổng số giao dịch qua nền tảng Ngân hàng số VPBank Neo đạt hơn 95 triệu giao dịch, tăng 2,24 lần so với cùng kỳ năm trước.
VPBank cũng đã tối ưu hóa chi phí vốn, giúp tỷ lệ CASA tiếp tục cải thiện khi tăng từ mức 18,8% vào cuối quý II/2021 lên mức 22,1% vào cuối quý III/2021, qua đó NIM trung bình 9 tháng đầu năm 2021 vẫn được duy trì ở mức 8,5% (hợp nhất) và 5,4% (riêng lẻ), cho dù thu nhập từ lãi chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Năm nay, VPBank đặt mục tiêu đạt 16.654 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, chỉ đứng sau Techcombank trong khối ngân hàng thương mại tư nhân hiện nay.
Thông tin từ Vietcombank (mã VCB) cho biết, tính đến hết quý III/2021, tăng trưởng tín dụng đạt 11,5% so với cuối năm 2020 và hoàn thành 98% kế hoạch cả năm, cơ cấu tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao so với tín dụng bán buôn với tỷ trọng đạt 53,66%. Theo lãnh đạo Vietcombank, nhằm đồng hành với người dân và doanh nghiệp trong mùa dịch, năm 2021, dự kiến quy mô giảm lãi suất mà Ngân hàng dành cho khách hàng sẽ lên tới khoảng 7.100 tỷ đồng.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho rằng, mặc dù tín dụng có phần chững lại trong quý III/2021 – thời điểm dịch bệnh diễn biến căng thẳng nhất, nhưng với môi trường lãi suất cho vay thấp như hiện nay, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại vào cuối quý IV/2021. Dẫu vậy, tăng trưởng tín dụng toàn ngành cả năm 2021 được dự báo xoay quanh mức 10-12% do cầu tín dụng chưa thể phục hồi nhanh và ngân hàng còn thận trọng khi cho vay.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 29/10/2021, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,7% so với cuối năm 2020 (cao hơn mức 6,5% của cùng kỳ năm 2020). Trước đó, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, tính đến ngày 7/10/2021, tín dụng toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020. Trong 3 tuần cuối tháng 10, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 1,3 điểm phần trăm, tương đương khoảng 120.000 tỷ đồng được đẩy thêm ra thị trường. Ngân hàng Nhà nước cũng dự báo tín dụng sẽ tiếp tục tăng trong 2 tháng cuối năm.
Thực tế, quý IV hàng năm được xem là thời điểm bứt tốc của các ngân hàng. Còn nhớ, trong 3 tháng cuối năm ngoái, tăng trưởng tín dụng đã tăng từ 6% lên hơn 12%. Do đó, khi nền kinh tế hoạt động trở lại, nhu cầu tín dụng tăng lên, dư nợ tín dụng trong thời gian tới sẽ tăng mạnh hơn. Bản thân các ngân hàng cũng đưa ra dự báo, dư nợ tín dụng sẽ tăng thêm 4% trong quý IV/2021 và cả năm tăng 12,3%. Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, cơ quan này sẽ không kìm hãm giải ngân và có thể tiếp tục nới hạn mức tăng trưởng tín dụng đối với các ngân hàng đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ vốn cho nền kinh tế.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)