Mới đây, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt xấp xỉ 800.000 tỷ đồng.
Trong đó, dư nợ tín dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án phát triển nhà ở đạt 180.743 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 22,8% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng (cao ốc) cho thuê đạt 41.815 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,3%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất đạt 40.149 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 5,1%.
Dư nợ tín dụng đối với các dự án khu du lịch, sinh thái, nghỉ dưỡng đạt 32.660 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,1%. Dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 57.539 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 7,24%.
Dư nợ tín dụng đối với cho vay xây dựng, sửa chữa nhà để bán, cho thuê đạt 144.157 tỷ đồng, chiếm 18,16%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất đạt 85.199 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 10,7%.
Dư nợ tín dụng đối với đầu tư kinh doanh bất động sản khác đạt 211.452 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,6% tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản.
Qua số liệu trên cho thấy dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn theo chiều hướng tăng. Tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng bất động sản ước tăng khoảng 11,4% so với cuối năm 2021 (xấp xỉ 700.000 tỷ đồng).
heo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố, nguồn vốn ngoại (FDI) đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cả năm 2022 đã tăng thêm 1,85 tỷ USD, tăng hơn 70% so với cả năm 2021 và giữ vị trí thứ 2 trong các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư FDI năm 2022 với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1%, chủ yếu tập trung vào thị trường bất động sản công nghiệp và một số dự án bất động sản lớn.
Theo nhận định của các chuyên gia, trong bối cảnh khó khăn của thị trường bất động sản, FDI là nguồn vốn đáng tin cậy đối với các doanh nghiệp bất động sản trong nước, giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thị trường trong dài hạn.
Theo đánh giá của ông Troy Griffiths, Phó tổng Giám đốc Savills Việt Nam : “Điều này cho thấy sức hút mạnh mẽ của thị trường Việt Nam đối với các nhà đầu tư bất chấp bối cảnh kinh tế thế giới với nhiều biến động. Họ coi đây là một nơi hấp dẫn để kinh doanh với dân số trong độ tuổi lao động lớn và nhiều chính sách hấp dẫn. Việt Nam là thị trường có mức tăng trưởng tích cực, phù hợp để kinh doanh, tiếp tục đầu tư trong thời gian dài với rủi ro thấp và tỷ lệ lạm phát được kiềm chế ở mức an toàn”.
Tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 27/1/2023 đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Quý Mão 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu và tác động đến nước ta, chủ động, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội.
Khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động Hội đồng điều phối các vùng kinh tế – xã hội để thực hiện các Nghị quyết về phát triển vùng của Bộ Chính trị. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch theo quy định.
Tổng hợp tình hình xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể của các bộ, cơ quan, địa phương để triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, báo cáo Chính phủ tại Phiên họp thường kỳ tháng 1/2023.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động theo dõi sát tình hình, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Chú trọng bảo đảm thanh khoản, an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng; bảo đảm tăng trưởng tín dụng hợp lý, hướng nguồn vốn tín dụng vào các động lực tăng trưởng, phát triển sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ.
Rà soát, có biện pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn về tín dụng bất động sản đối với cả doanh nghiệp bất động sản và người mua, thúc đẩy phát triển các dự án bất động sản hiệu quả, cơ cấu lại và phát triển thị trường bất động sản, xử lý nợ xấu, trái phiếu doanh nghiệp bất động sản, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân…; tạo điều kiện thuận lợi để người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.
Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu; nâng cao năng lực quản trị, năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động; tiếp tục phát triển mạnh các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn các hoạt động tín dụng, ngân hàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng, các đối tác liên quan.
Tổng Hợp
(VTV, Nhịp Sống Thị Trường)