Bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội chiều 28/10. Tin đồn thất thiệt đã tác động mạnh tới hoạt động tổ chức tín dụng…
Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội chiều 28/10 về điều hành lãi suất, tín dụng và tỷ giá, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đánh giá bối cảnh năm 2022 biến động lớn và có nhiều khó khăn hơn so với những đánh giá vào cuối năm 2021.
Bên cạnh yếu tố tác động từ lạm phát tăng cao trên toàn cầu, thì diễn biến bất ổn thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp trong nước cũng tác động mạnh tới thị trường tiền tệ, ngân hàng.
Cụ thể, đến nay, xu hướng lạm phát đã lan rộng toàn thế giới, có đến 80 nước có mức lạm phát từ 2 con số trở lên. Fed và ngân hàng trung ương các nước tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến, riêng Fed tăng lãi suất cao và có thể tiếp tục tăng ở mức cao 4,5-4,7% vào giữa 2023; USD tăng mạnh khiến nhiều đồng tiền khác mất giá. Diễn biến này khiến ngân hàng trung ương các nước trên thế giới gặp khó khăn.
Đối với trong nước, bà Hồng đánh giá những diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, chứng khoán đã tác động rất mạnh đến hoạt động tiền tệ và ngân hàng.
“Đối với tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi sát và điều hành linh hoạt ở mức độ phù hợp để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Đặc biệt, trên thị trường tiền tệ, thanh khoản ngân hàng thậm chí có dư thừa trong 9 tháng, mặt bằng lãi suất chỉ tăng 0,3-0,4% so với cuối năm ngoái”, Thống đốc cho hay.
Tuy nhiên sang tháng 10, bà Hồng nhận định thị trường tiền tệ, ngoại hối biến động mạnh do tác động bởi tâm lý kỳ vọng, đặc biệt là các thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của các tổ chức tín dụng cũng như thị trường ngoại tệ.
“Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt và xác định trọng tâm thời gian này phải đảm bảo ổn định hoạt động hệ thống ngân hàng và sẵn sàng cung ứng thanh khoản để đáp ứng nhu cầu chi trả cho các tổ chức tín dụng”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.
Đối với thị trường ngoại hối, bà cho biết Ngân hàng Nhà nước phải chủ động cho phép tỷ giá biến động linh hoạt hơn. Bởi nếu ổn định lãi suất thì không thể kiểm soát được thị trường ngoại hối mà ổn định thị trường này rất quan trọng với nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.
“Điều quan trọng là trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, tiền tệ là phải xác định mục tiêu trọng tâm trọng điểm trong giai đoạn đó là gì nhưng mục tiêu chính vẫn là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.
Trong ngắn hạn, bà cho rằng phải đánh đổi giữa các mục tiêu như để ổn định thị trường ngoại hối phải chấp nhận tỷ giá tăng cao và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng khi lãi suất tăng cao nhưng ổn định được thị trường tiền tệ ngoại hối.
Cũng trong chiều 28/10, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận về kinh tế – xã hội, ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, nước ta có một năm điều hành quản lý kinh tế – xã hội thành công.
Trong năm qua chính sách tài khóa đã và đang là trụ cột của nền kinh tế. Trong đó, dù 5 năm qua thực hiện chính sách giảm thuế nhiều, nhưng thu nội địa tăng trưởng 9,8%, giảm chi thường xuyên 10% nhờ thực hiện nhiều giải pháp, có cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ trong thu ngân sách.
Bên cạnh đó, đã có nhiều biện pháp thu ngân sách được triển khai, như xây dựng Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới. Trong 9 tháng đã thu được gần 3.200 tỷ đồng từ 37 tập đoàn công nghệ quốc tế như Google, Microsoft, TikTok… Chống chuyển nhượng, bất động sản phá giá trên 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, thành lập quỹ vắc xin gần 11.000 tỷ đồng, còn dư 2.875 tỷ đồng.
Thông tin thêm về thu ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách khó, song lượng tiền hiện đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước không kỳ hạn là 600.000 tỷ đồng, có kỳ hạn là 290.000 tỷ đồng, tức gần 900.000 tỷ đồng.
Về thị trường chứng khoán, Bộ trưởng cho biết khuyến khích vấn đề phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trên nguyên tắc tự vay, tự trả và tự chịu trách nhiệm. Hiện nay dư nợ của trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, chiếm 12,8% GDP (theo chiến lược phát triển của thị trường chứng khoán, đến năm 2030 đạt 25%).
“Sắp tới chúng tôi đề xuất sẽ sửa Luật Doanh nghiệp, sửa Luật Chứng khoán và các nghị định liên quan để kiểm soát một cách chặt chẽ, minh bạch và tạo ra một nguồn vốn trung và dài hạn để giúp cho việc phát triển sản xuất, kinh doanh”, ông Phớc nói.
Tổng Hợp