Việc tiếp cận tín dụng trở thành một bài toán sống còn, nhưng hành trình tìm kiếm nguồn vốn của doanh nghiệp trong ba quý đầu năm vẫn còn trắc trở…
Việc đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn trong tiêu dùng hàng hóa và nhiều những khó khăn đã bào mòn nội lực của doanh nghiệp, khiến cho việc tiếp cận tín dụng trở thành một bài toán sống còn, nhưng hành trình tìm kiếm nguồn vốn của doanh nghiệp trong 3 quý đầu năm vẫn còn trắc trở.
Đối với doanh nghiệp, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ hiệu quả hơn về cơ cấu lại nợ vay và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay sâu hơn, nghiên cứu, xem xét việc áp dụng nới lỏng trong thời gian giới hạn quy định pháp luật về chuyển lỗ để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp. Cần quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu và các dự án, doanh nghiệp kém hiệu quả.
Chính phủ đã có báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021 và dự kiến năm 2022, chuẩn bị trình Quốc hội tại kỳ họp thứ hai tới đây. Báo cáo đã được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về chính sách tiền tệ, Chính phủ thông tin, năm 2021 đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng.
Cụ thể, lũy kế từ ngày 23/01/2020 đến nay, tổng số tiền lãi các tổ chức tín dụng (TCTD) miễn, giảm cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19 là gần 26.000 tỷ đồng. Các TCTD vẫn đang tiếp tục thực hiện các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến, giảm lãi suất cho vay. Liên quan đến kết quả giảm lãi suất và cập nhật mới, theo kế hoạch Ngân hàng Nhà nước sẽ có họp báo về kết quả điều hành chính sách tiền tệ quý 3 trong tuần này. BizLIVE sẽ thông tin thêm về nội dung cuộc họp này.
Còn về định hướng từ Chính phủ, theo báo cáo trên, trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Chính phủ xác định điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 dự kiến khoảng 12-13% (khi áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, cho phép ngân hàng đủ vốn (theo chuẩn Basel II) và quản lý rủi ro tốt được chủ động tăng tín dụng với điều kiện tuân thủ các chỉ số an toàn).
Chính phủ cũng định hướng phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, giám sát chặt chẽ tình hình phát sinh nợ xấu của các TCTD. Phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng các công cụ, giải pháp điều hành chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo thanh khoản, hỗ trợ TCTD sẵn sàng cung ứng đầy đủ và kịp thời vốn cho quá trình phục hồi kinh tế; lãi suất, tỷ giá biến động phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường.
Theo báo cáo kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2021 được Tổng cục Thống kê (GSO) công bố, tính đến 20/9, tăng trưởng tín dụng đạt 7,17% cao hơn 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng thương mại đã giảm với những khoản dư nợ hiện hữu từ giữa tháng 7 đến hết năm 2021. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đang ở mức 4,4% một năm, lãi suất cho vay USD bình quân ở mức 3-6% một năm. Còn ở chiều ngược lại, do duy trì mức lãi suất thấp nên tình hình huy động vốn của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,28%, thấp hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2020.
Tĩnh Kiên
(Tổng Hợp)