Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến cuối tháng 3, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã tăng thêm 100.800 tỷ đồng, lên hơn 6,28 triệu tỷ đồng, vượt xa số dư tiền gửi của các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng.
Tiền gửi từ dân cư tăng mạnh bất chấp những tháng đầu năm nay bất chấp lãi suất ngân hàng đã có dấu hiệu điều chỉnh giảm.
Cuối năm 2022, lãi suất huy động của các ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao lên tới 9-10%/năm đối với kỳ hạn trên 12 tháng, trong đó có ngân hàng nâng mức lãi suất cao nhất lên tới gần 12%/năm.
Tuy nhiên, sang đến năm nay, giới ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất 0,5-1 điểm % ở các kỳ hạn. 3 tháng đầu năm, lãi suất trên thị trường đã có xu hướng giảm, có ngân hàng giảm tới 2 điểm %.
Tiền gửi đến từ nhóm khách hàng tổ chức kinh tế tăng trở lại sau tháng 2 trước đó sụt giảm. Theo đó, số dư tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã tăng 48.000 tỷ đồng, tháng 2 liền trước sụt giảm 338.000 tỷ đồng.
Cũng cần lưu ý, tiền gửi của nhóm doanh nghiệp giảm trong 2 tháng đầu năm trùng thời điểm Tết Nguyên đán – dịp các doanh nghiệp chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Như vậy, tính từ đầu năm, từ gửi của dân cư vào ngân hàng tăng 7,08% trong khi tiền gửi của tổ chức kinh tế sụt 4,87%. 2 năm trước, tiền gửi của dân cư thấp hơn tiền gửi của các tổ chức kinh tế nhưng hiện đã ngược lại.
Hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dài tại nhiều ngân hàng đã điều chỉnh giảm mạnh từ 1-2,5 điểm % so với thời điểm cuối tháng 12/2022, về vùng dưới 8%/năm.
Các ngân hàng tư nhân đang trả lãi suất dao động 7,5-8,1%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. Còn với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất phổ biến ở mức 6-8%/năm. Ở nhóm big 4 (4 ngân hàng có vốn Nhà nước), lãi suất vẫn ở mức 6,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng; còn kỳ hạn 6 tháng là 5,5%/năm.
Tháng 12/2022, mặt bằng lãi suất ở mức cao, với kỳ hạn 12 tháng, mặt bằng lãi suất ở trên 9%, thậm chí có ngân hàng trả lãi trên 10%. Thậm chí, chỉ cần gửi từ hạn 6-9 tháng, nhiều nhà băng cũng sẵn sàng trả mức này. Chưa kể, không ít nhà băng vẫn “vượt rào”, sẵn sàng trả thêm cho người gửi tiền nếu là khách quen, VIP…
Lãi suất tiết kiệm đã liên tục giảm từ đầu năm đến nay. Với kỳ hạn dưới 6 tháng, lãi suất giảm khoảng 1 điểm % so với cuối năm ngoái, còn kỳ hạn trên 6 tháng lãi suất giảm 1-2 điểm %.
Diễn biến này, theo giới phân tích, do thanh khoản hệ thống ngân hàng đã dồi dào, thậm chí dư thừa hơn trước. Bên cạnh đó, dư nợ tăng trưởng tín dụng ở mức thấp, cũng là một trong những yếu tố khiến việc huy động vốn không quá gắt gao. Việc giảm lãi đầu vào, cũng là cơ sở để giảm lãi vay, hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế theo định hướng của nhà điều hành.
Trong giai đoạn có nhiều biến động kinh tế, khách hàng vốn chuộng kỳ hạn ngắn 1-3 tháng để linh hoạt nguồn vốn. Tăng trưởng GDP quý I năm nay tăng chậm lại, chỉ đạt 3,32%, theo Tổng cục Thống kê. Tuy nhiên, với mức giảm lãi suất mạnh như hiện nay, lãi suất tiền gửi thực dương (lãi suất gửi ngân hàng trừ đi lạm phát) ở mức rất thấp.
Thực tế, quý cuối năm ngoái, khi được hỏi về kênh đầu tư ưu tiên cho năm nay, các chuyên gia phần lớn lựa chọn gửi tiết kiệm trước môi trường đầu tư nhiều yếu tố bất định. Đó là khi mặt bằng trả lãi của các nhà băng cao. Còn hiện tại, kênh gửi tiết kiệm không còn là ưu tiên hàng đầu.
Tổng Hợp
(Dân Trí)