Trong bối cảnh lãi suất huy động duy trì ở mức rất thấp cùng với tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đến thu nhập, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tăng trưởng rất chậm.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến cuối tháng 8/2021 cho thấy tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó (8 tháng năm 2019: 8,39%; 8 tháng năm 2018: 8,47%; 8 tháng năm 2017: 12%; 8 tháng năm 2016: 15,43%).
Xét riêng tháng 8/2021, người dân đã rút ròng 986 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng. Ở tháng trước đó, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng. Như vậy trong hai tháng 7 và 8, gần như người dân không gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng. Các tổ chức kinh tế quay lại xu hướng “phòng thủ” trong tháng 8/2021 khi gửi ròng thêm 59.148 tỷ đồng vào hệ thống ngân hàng. Trước đó, sau 4 tháng liên tục gửi ròng vào hệ thống ngân hàng tới hơn 395.000 tỷ đồng, sang đến tháng 7/2021, các tổ chức kinh tế đã bất ngờ rút ròng hơn 25.900 tỷ đồng ra khỏi hệ thống.
Các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi dân cư ở mức khá cao và có xu hướng giảm dần những năm gần đây. Chẳng hạn, tháng 5.2012 tăng gần 16%, qua tháng 5.2013 tăng 14,26% và năm 2014 tăng 9,49%, năm 2015 tăng 8,31%, năm 2016 tăng 11,04%, năm 2017 tăng 9,39%, năm 2018 tăng 7,5%, năm 2019 tăng 6,84%, qua năm 2020 tăng 4% và nay còn 2,6%. Ngược lại, số liệu tiền gửi thanh toán cá nhân (tài khoản thanh toán của cá nhân) trong quý 1/2021 lại tăng khá mạnh so với những năm trước. Số lượng tài khoản quý 1/2021 đạt 104,189 triệu tài khoản với dư nợ 741.378 tỉ đồng, tăng 264.855 tỉ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức cao nhất trong vòng 9 năm gần đây. Số tiền tài khoản cá nhân tăng gấp 10,8 lần so quý 2/2012 cũng như gấp 1,55 lần cùng kỳ năm 2020. Cùng chiều, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh, tháng 5.2021 tăng 3,26% thay vì cùng kỳ năm ngoái chỉ tăng 0,26%. Đây cũng là mức tăng cao đứng thứ 2 trong 9 năm trở lại đây, chỉ sau năm 2018 với mức 6,86%, còn lại những năm trước có thời điểm tăng trưởng âm như năm 2012, 2014, 2015.
Chốt tháng 8/2021, tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng 5,46% so với đầu năm. Nếu xu hướng chững lại của tiền gửi dân cư còn tiếp diễn và tổ chức kinh tế tiếp tục gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng, quy mô tiền gửi của tổ chức kinh tế sẽ nhanh chóng vượt quy mô tiền gửi của dân cư bởi đến cuối tháng 8, mức chênh lệch chỉ còn là gần 150.000 tỷ đồng (5,14 triệu tỷ đồng tiền gửi của tổ chức kinh tế so với 5,29 triệu tỷ đồng tiền gửi của dân cư).
Mức tăng tổng tiền gửi khách hàng (bao gồm cả dân cư và tổ chức kinh tế) tính đến cuối tháng 8 là 10,43 triệu tỷ đồng, tăng 4,17% so với đầu năm. Con số này thấp hơn nhiều mức tăng của dư nợ tín dụng. Mức tăng dư nợ tín dụng 8 tháng năm 2021 đạt 7,45%. Trong đó, dư nợ ngành công nghiệp tăng cao nhất với 11,36%. Tiếp đó là ngành thương mại với 9,75%, các hoạt động dịch vụ khác với 7,19%. Dư nợ ngành vận tải và viễn thông tăng khá khiêm tốn, chỉ 4,34%; kế đó là nông, lâm, thủy sản với 2,18%. Ngành xây dựng tăng rất thấp, chỉ 0,56%.
Kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh do Vụ dự báo, thống kê (Ngân hàng Nhà nước) thực hiện mới đây cho biết, theo nhận định của các Tổ chức tín dụng, trong quý III/2021, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng ở mức “thấp” và “giảm” so với quý trước. Trong đó, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.
Cương Nguyễn
(Tổng Hợp)