Big C lần lượt biến mất cũng khiến thị trường không khỏi hụt hẫng, khi thương hiệu đã gắn liền với người tiêu dùng nhiều năm liền.
Là mảnh đất màu mỡ với tốc độ tăng trưởng được dự báo vẫn ở mức 2 chữ số (~10%) bất chấp Covid-19, thị trường bán lẻ Việt Nam gần 10 năm qua cực kỳ sôi động với sự đến đi liên tục của nhiều thương hiệu. Trong cuộc tái thiết xuyên suốt đó, rất nhiều thương hiệu vang bóng lần lượt bán mình, quy tụ về các ‘ông lớn’ với lý do gần như chỉ có một – thua lỗ và không cạnh tranh hiệu quả.
Từng chi mạnh hơn 1 tỷ USD để mua lại thương hiệu Big C – cái tên gắn liền với thị trường tiêu dùng mua sắm, đặc biệt những bà nội trợ Việt, Central Retail đã sớm có kế hoạch đổi tên ngay khi thâu tóm từ năm 2016. Dù rằng, theo thoả thuận Central Retail có quyền sử dụng thương hiệu Big C thêm 10 năm. Bởi, việc chuyển đổi thương hiệu BigC thành Tops Market và GO! là nhằm tái định vị thương hiệu với một diện mạo hoàn toàn mới tại thị trường Việt Nam, đi kèm với các cải tiến về không gian mua sắm.
Định hướng được đưa ra từ đầu năm nay, Central Retail Corporation Public Company Limited (CRC, thành viên của Central Group) mục tiêu sẽ rót khoảng 35 tỷ Bath (1,1 tỷ USD) để mở rộng kinh doanh tại 55 tỉnh thành trên toàn quốc cho giai đoạn 5 năm 2021-2026 tại Việt Nam. Khi mà, ngành dịch vụ tại Việt Nam tăng trưởng 2,34%, đứng đầu là ngành bán sỉ và bán lẻ với 7% tăng trưởng so với cùng kỳ trong quý 4 năm 2020, đóng góp 33,5% vào nền kinh tế. Ngành dịch vụ cũng được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2021. Điều này khiến Việt Nam trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất và hấp dẫn nhất trên thế giới.
Đầu tháng 3/2021, Central Retail cũng đã hoàn tất việc chuyển đổi 3 siêu thị Big C tại Tp.HCM thành Siêu thị Tops Market. Được biết, đây là chiến lược tái định vị thương hiệu của Tập đoàn, theo kế hoạch 4 siêu thị Big C tại Hà Nội (The Garden, Hà Đông, Nguyễn Xiển, Lê Trọng Tấn) cũng sẽ hoàn tất việc chuyển đổi và nâng cấp thành Tops Market vào quý 3/2021.
Nhắc đến M&A bán lẻ không thể không gọi tên Vingroup – tay chơi nội với loạt thương vụ đình đám giai đoạn 2014-2017. Từ viên gạch đầu tiên là mua lại 70% cổ phần của Bán lẻ và Quản lý Bất động sản Đại Dương – Ocean Retail vào năm 2014 và lập hệ thống Vinmart, Vinmart+, Vingroup liên tiếp nhận100% vốn chuỗi Maximark (tháng 10/2015), thâu tóm chuỗi siêu thị Fivimart (tháng 9/2018), mua toàn bộ 87 cửa hàng tiện lợi của Shop&Go (tháng 4/2019), sáp nhập Queenland Mart (tháng 8/2019). Đến cuối năm 2019, Vingroup chính thức chuyển giao cho Masan – doanh nghiệp lớn trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng. Trong một tiết lộ mới đây, Masan cũng có kế hoạch đổi tên thương hiệu Vinmart/Vinmart+ sang Winmart.
Thị trường bán lẻ Việt Nam – “miếng bánh” tỷ USD từ lâu đã trở thành điểm ngắm của hàng loạt thương hiệu lớn mà trong đó vị thế dần rơi vào tay nhà đầu tư ngoại. Với cơ cấu dân số trẻ, sẵn sàng chi tiêu cùng các hiệp định FTA được đẩy mạnh… thị trường bán lẻ nước ta liên tục mở rộng quy mô, đặc biệt ngay trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19.
Báo cáo của Deloitte ghi nhận, năm qua ngành bán lẻ Việt Nam được đánh giá là một hiện tượng tăng trưởng vượt bậc tại khu vực Đông Nam Á. Trong tổng số 5.000 tỷ đồng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 79% và tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam theo đó xếp hạng thứ 6 trong nhóm 30 quốc gia có tiềm năng lĩnh vực bán lẻ toàn cầu vài năm trở lại đây.
Sự màu mỡ là câu trả lời cho động thái loạt “ông lớn” ngoại nhảy vào, lần lượt thâu tóm và chiếm một thị phần lớn trong ngành thập niên qua. Chiều ngược lại, doanh nghiệp quy mô lớn trong nước cũng nỗ lực khai thác cơ hội trên sân chơi của chính mình. Nếu như trước đây thế lực nội điển hình chỉ có VinCommerce của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, thì nay vị thế cạnh tranh đã ở tầm cao mới với sự góp mặt của MWG, THACO… hay Novaland, KIDO trong cuộc đua chuỗi.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)