Ngày 5/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với Chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương về tình hình kinh tế – xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm. Thủ tướng yêu cầu tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận, Thủ tướng đánh giá bên cạnh những kết quả đạt được, quý I có những khó khăn, thách thức trong và ngoài nước tác động mạnh tới việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế – xã hội. Nội tại nền kinh tế cũng có những hạn chế, yếu kém tồn đọng, những vấn đề phát sinh mới như tội phạm liên quan tới kinh tế, chứng khoán…
Về dự báo tình hình quý II, Thủ tướng yêu cầu phải xác định còn khó khăn, thách thức nhiều hơn là cơ hội và thuận lợi, nhất là liên quan tới giá cả, lạm phát, nguyên liệu đầu vào, thị trường biến động… có những khó khăn chưa thể dự báo hết được.
Thủ tướng yêu cầu phải tập trung giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, phát huy các hiệp định thương mại tự do đã ký kết đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước, phát triển thương mại điện tử, các loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mới…
Các địa phương chủ động, phối hợp với các cơ quan Trung ương bảo đảm cung cầu lao động; đẩy mạnh công tác rà soát, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính. Thủ tướng yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh trực tiếp chỉ đạo, tham gia góp ý các dự án luật, pháp lệnh, nghị định, quy hoạch quốc gia và vùng được lấy ý kiến.
Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường giám sát, thanh tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực bất động sản, thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, môi trường, xăng dầu… rà soát, phát hiện các lỗ hổng về cơ chế, chính sách để điều chỉnh phù hợp.
Về các dự án giao thông trọng điểm, Thủ tướng yêu cầu tập trung làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, giúp người dân yên tâm, tin tưởng cuộc sống ở nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.
Ở quý đầu năm nay, tăng trưởng kinh tế phục hồi ở hầu hết địa phương. Tăng trưởng có được cả từ phía cung (công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ) và cầu (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu).
Các cân đối lớn được bảo đảm và có dư. Thu ngân sách đủ chi và vượt dự toán 33%; xuất đủ nhập và xuất siêu 809 triệu USD; cân đối lớn về điện được bảo đảm; lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định và có xuất khẩu tăng trưởng khá; thị trường lao động phục hồi rất nhanh.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt 562.200 tỷ đồng, tăng 8,9%, là tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư ngay từ những tháng đầu năm. Vốn FDI thực hiện đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%, đạt mức cao nhất so với quý I các năm từ 2018 đến nay. Vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 4,07 tỷ USD, tăng 93,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 1,63 tỷ USD, tăng 102,6%.
Về tình hình đầu tư công, đến ngày 30/3, tổng số vốn các bộ, cơ quan và địa phương đã có quyết định giao chi tiết đạt 90% so với số vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao. Còn 13/51 Bộ, cơ quan trung ương và 21/63 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch đầu tư vốn năm nay.
Tổng Hợp