Chỉ riêng năm 2020, Sở Xây dựng TP. HCM đã chuyển 61 dự án sang Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM để thực hiện thủ tục “quyết định chủ trương đầu tư dự án”. Tuy nhiên, đã không có dự án nào được Sở Kế hoạch Đầu tư trình UBND thành phố để ban hành “quyết định chủ trương đầu tư dự án”.
Sự “tắc trách” của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM vẫn là khá rõ, bởi ngay cả dự án không vướng “đất công”, nhà đầu tư vẫn bị Sở Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu bổ sung hồ sơ nhiều lần. Đến nay, Sở vẫn chưa trình UBND thành phố để ban hành “quyết định chủ trương đầu tư dự án”, làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
HoREA cho biết hiện nay, các vướng mắc về pháp lý nói trên đã được Luật Đầu tư 2020, Nghị định 148/2020/NĐ-CP xử lý. Do vậy, hiệp hội này đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư sớm giải quyết các hồ sơ dự án đã được Sở Xây dựng chuyển đến để thực hiện thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư dự án”.
Cũng tại báo cáo này, HoREA đã kiến nghị một số nội dung quan trọng liên quan đến việc triển khai thực hiện Nghị định 148/2020/NĐ-CP tại TP. HCM.
Nguyên nhân là có sự vướng mắc về dự án đầu tư, dự án bất động sản, nhà ở có quỹ đất hỗn hợp (bao gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, xen kẽ các thửa đất do nhà nước quản lý trong dự án).
Bên cạnh đó HoREA cho rằng, UBND thành phố cần quy định rõ về thửa đất được tách thành dự án độc lập. Đây là nội dung rất khó, đòi hỏi chính quyền phải phối hợp với các doanh nghiệp bất động sản để xây dựng các tiêu chí chuẩn đối với thửa đất thuộc nhà nước quản lý nằm xen kẽ trong dự án đầu tư, dự án nhà ở, có thể được tách thành dự án độc lập và tạo điều kiện cho chủ đầu tư dự án liền kề (hoặc dự án có thửa đất công nằm xen kẽ bên trong dự án) được “mua” lại thửa đất này để hợp thửa, để đảm bảo phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng phân khu tỷ lệ 1/2000.
UBND TP sớm ban hành giá cung cấp dịch vụ công. Nên chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, rà soát việc sử dụng đất tại vị trí đã có văn bản chấm dứt chủ trương đầu tư dự án.
Cũng quy định chi tiết việc rà soát, công bố công khai danh mục các thửa đất nhỏ hẹp do nhà nước trực tiếp quản lý. Chính quyền nên tổ chức công bố công khai các khu vực được thực hiện dự án nhà ở dưới hình thức phân lô, bán nền.
Quy định điều kiện tách thửa và diện tích tối thiểu được tách thửa và sớm sửa đổi, bổ sung Quyết định 60/2017/QĐ-UBND.
Về vấn đề cấp sổ hồng cho các dự án, HoREA đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường chủ động phối hợp với Sở Tài chính, Hội đồng thẩm định giá đất thành phố và các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương thực hiện xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất dự án nhà ở, để sớm giải quyết cấp “sổ hồng” cho hơn 30.402 căn nhà trong 63 dự án của 17 doanh nghiệp và hơn 100 dự án nhà ở đang còn tồn ở Sở Tài nguyên Môi trường.
Hiệp hội cũng đề nghị UBND thành phố xem xét, chỉ đạo giải quyết “ưu tiên” giải quyết cấp “sổ hồng” trước cho khách hàng đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà, vì họ là bên ngay tình, vô can, để đảm bảo quyền lợi của người mua nhà và triệt tiêu các “điểm nóng” tiềm ẩn. Đối với các sai phạm về đầu tư, xây dựng, kinh doanh của chủ đầu tư (nếu có) thì UBND thành phố cần tách riêng để xử lý…
Đây là thông tin được Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) nêu ra trong một báo cáo gần đây.