Các chính sách hỗ trợ tín dụng sẽ mang lại cơ hội tiếp cận nhà ở cho lao động phổ thông. Thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ xem xét dự án bất động sản đủ điều kiện để hỗ trợ giải ngân…
Sự chững lại của thị trường xuất phát từ việc nhiều người mua nhà khó tiếp cận được vốn vay ngân hàng cũng như tâm lý lo ngại lãi suất tăng cao. Chính vì vậy, việc ngân hàng giảm lãi suất sẽ tác động mạnh đến quyết định của người mua nhà.
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến đầu tháng 12/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 12,2%, như vậy so với kế hoạch ban đầu 14% thì vẫn còn dư địa 1,8% nữa, cộng thêm 1,5-2% tăng thêm thì room tín dụng toàn hệ thống sẽ có khoảng 3,3-3,8%. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có khoảng 330.000-400.000 tỷ đồng có thể được cho vay ra thị trường trong tháng cuối năm.
Các chuyên gia trong ngành nhìn nhận, mặc dù dòng vốn này chủ yếu phục vụ các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên,… nhưng bất động sản cũng sẽ được “thơm lây” khi niềm của nhà đầu tư được củng cố.
Nói như ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), phần room tín dụng tăng thêm sẽ bổ sung nguồn vốn cho sản xuất – kinh doanh trong giai đoạn cao điểm trước Tết Quý Mão 2023. Điều đó rất quan trọng trong bối cảnh thị trường bất động sản, chủ đầu tư dự án và người mua nhà đều đang khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản do thiếu hoặc âm dòng tiền. Vì vậy, động thái nới room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước, giảm lãi vay của các ngân hàng cũng như xem xét những dự án bất động sản đủ điều kiện giải ngân là tín hiệu tích cực cho đà phục hồi của thị trường địa ốc nói riêng, nền kinh tế nói chung.
Đầu tháng 12/2022, Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng cho toàn hệ thống ngân hàng thêm khoảng 1,5-2%, thay vì giữ mức tăng trưởng không quá 14% cho cả năm 2022 như kế hoạch trước đó.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ diễn ra sau đó, một trong những nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính là yêu cầu Ngân hàng Nhà nước rà soát các dự án bất động sản đủ điều kiện để hỗ trợ giải ngân tín dụng.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, việc tăng thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng về cơ bản vẫn nằm trong tổng lượng trần tín dụng 14% theo mục tiêu của năm nay, chứ không làm tăng thêm lượng tiền. Lý do khiến Ngân hàng Nhà nước đưa ra quyết định nới room vào thời điểm này xuất phát từ các yếu tố vĩ mô như chỉ số lạm phát, tỷ giá… đã tích cực hơn, chẳng hạn USD mất giá khoảng 3,5% trong tháng qua; lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt (dự báo năm nay chỉ khoảng 3,3%); áp lực tăng tỷ giá của Việt Nam đã giảm so với giai đoạn đầu năm…
Theo ông Lực, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tức là người dân bắt đầu quay lại hệ thống ngân hàng để gửi tiền nhiều hơn so với giai đoạn trước. Thêm vào đó, nhu cầu vốn của thị trường, bao gồm cả người dân (tiêu dùng) và doanh nghiệp (nhà sản xuất) vào dịp cuối năm rất lớn, nên việc cấp thêm tín dụng sẽ đáp ứng được nhu cầu này, giúp duy trì cũng như thúc đẩy hoạt động sản xuất – kinh doanh trong mùa cao điểm.
Bên cạnh đó, thông tin 16 ngân hàng cam kết giảm lãi vay cũng là một tín hiệu vui cho thị trường. Ngân hàng đầu tiên “khơi mào” cho đợt giảm lãi suất này là Vietcombank khi thông báo giảm tới 1%/năm đối với khoản vay bằng tiền đồng trong tháng cuối năm.
Tương tự, Agribank công bố giảm lãi 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng đồng Việt Nam. HDBank cũng giảm lãi suất cho hơn 43.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên cả nước với 55.000 khoản vay. Nhiều ngân hàng trong nước cũng như như nước ngoài khác cũng tham gia vào phong trào giảm lãi suất cho vay như SHB, VIB, ABBANK, Shinhan Việt Nam…
Động thái trên của các ngân hàng đã giải tỏa đáng kể áp lực cho doanh nghiệp và người dân về chi phí tài chính phục vụ cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Theo đó, không gian tín dụng cho những ngày còn lại của năm 2022 đã “dễ thở” hơn khá nhiều so với giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 11.
Tổng Hợp
(Tin Nhanh Chứng Khoán, ReaTimes)