Thời gian gần đây, thuật ngữ “bán giải chấp” liên tục xuất hiện trên thị trường khi nhiều cổ phiếu bất động sản giảm sàn liên tục, thị giá rơi 60-80% so với đỉnh.
Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán thường có thông báo tới khách hàng của mình biết trước 1-2 ngày (margin call). Nếu không muốn bị bán giải chấp, nhà đầu tư phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ để đạt ngưỡng an toàn tối thiểu do công ty chứng khoán quy định.
Cổ phiếu của một công ty bất động sản như Công ty cổ phần Tập đoàn Khải Hoàn Land (mã chứng khoán: KHG) cũng được Công ty Chứng khoán Mirae Asset thông báo bán giải chấp 4,8 triệu cổ phiếu KHG thuộc sở hữu của bà Trần Thị Thu Hương, vợ Chủ tịch HĐQT. Thời gian thực hiện là từ ngày 21/11.
Ngoài ra, Mirae Asset cũng thông báo bán giải chấp 2,5 triệu cổ phiếu HPX của Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát thuộc sở hữu của ông Đỗ Quý Hải, Chủ tịch HĐQT, từ ngày 21/11.
Trước đó, làn sóng bán giải chấp rộng nhất có thể kể đến thuộc về cổ phiếu DIG của Công ty Cổ phần DIC Corp. Theo thông báo từ DIC Corp, tới ngày 11/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con đã bị bán giải chấp khoảng 26 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 4,29% vốn điều lệ.
Một công ty bất động sản cũng nằm trong diện bán giải chấp là Công ty cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa – Vũng Tàu (Hodeco, mã chứng khoán: HDC). Ngày 16/11, Công ty Chứng khoán VPS thông báo bán giải chấp 804.000 cổ phiếu HDC của ông Lê Viết Liên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của Hodeco, theo phương thức giao dịch khớp lệnh trên sàn. Cùng ngày, ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT Hodeco, cũng bị VPS bán giải chấp 200.000 cổ phiếu HDC.
Điển hình cho tình huống này là việc có tới 8 công ty chứng khoán đưa ra thông báo bán giải chấp cổ phiếu của Công ty cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR).
Ngày 21/11, Công ty chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết dự kiến bán giải chấp hơn 4,2 triệu cổ phiếu PRD của Chủ tịch HĐQT Phát Đạt là ông Nguyễn Văn Đạt, thời gian thực hiện từ ngày 22/11. Trước đó từ ngày 9/11 đến 18/11, công ty chứng khoán này cũng liên tục thông báo bán giải chấp hơn 4 triệu cổ phiếu PDR của ông Đạt.
Cùng ngày, Công ty Chứng khoán Mirae Asset thông báo bán giải chấp 4 triệu cổ phiếu PDR Chủ tịch HĐQT Phát Đạt. Thời điểm dự kiến thực hiện hai giao dịch bán giải chấp trên là từ ngày 21/11.
Trước đó, Công ty chứng khoán An Bình (ABS) thông báo bán giải chấp 964.000 cổ phiếu PDR của ông Đạt từ ngày 10/11 đến ngày 14/11 và 1,4 triệu cổ phiếu PDR từ ngày 16/11 đến ngày 22/11.
Tương tự, Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cũng công bố bán giải chấp hơn 2,1 triệu cổ phiếu PDR của ông Đạt từ ngày 18/11. Công ty TNHH Chứng Khoán Shinhan Việt Nam (SSV) bán giải chấp hơn 1,3 triệu cổ phiếu của vị Chủ tịch Phát Đạt từ ngày 14/11. Công ty TNHH Chứng khoán Maybank (MSVN) bán giải chấp 2,6 triệu cổ phiếu của Chủ tịch kể từ ngày 10/11. CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo bán giải chấp 1,8 triệu cổ phiếu của Chủ tịch và 1,9 triệu cổ phiếu của Phát Đạt từ ngày 8/11 đến khi đủ tỷ lệ ký quỹ theo quy định.
Ngày 16/11, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) công bố dự kiến bán hơn 1,6 triệu cổ phiếu PDR của ông Nguyễn Văn Đạt theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Tuy nhiên kết quả không mấy khả quan. Ngày 16/11, MBS bán giải chấp 1,6 triệu cổ phiếu PRD nhưng không khớp. Sang ngày 17/11, MBS tiếp tục bán giải chấp 2,6 triệu cổ phiếu nhưng không khớp lệnh. Trước đó ngày 14/11 và 15/11 2 lô trái phiếu hơn 500.000 cổ phiếu PDR cũng không khớp được lệnh.
Cổ phiếu PDR đã giảm sàn 12 phiên. Chốt phiên ngày 21/11 cổ phiếu này giao dịch ở mức giá 17.100 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 76% kể từ đỉnh cuối tháng 10/2021.
Bán giải chấp (force sell) cổ phiếu là động thái của công ty chứng khoán thực hiện bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định. Hành động này thường xảy ra khi nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và giá cổ phiếu xuống dưới ngưỡng cho phép của công ty chứng khoán nhưng nhà đầu tư chưa nộp thêm tiền.
Tổng Hợp