Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS đang tìm cách tự “rã băng” cho chính mình. Thiếu vốn, nhiều dự án bất động sản “đóng băng”…
Có thể lấy ví dụ một số dự án ở khu vực phía Nam khi chủ đầu tư đã mạnh tay chiết khấu 40% giá bán khi người mua thanh toán vượt tiến độ đến 90%. Nghĩa là nếu mua một căn hộ giá gốc 4,7 tỷ đồng, thì người mua giờ chỉ phải trả gần 2,9 tỷ đồng. Cách thức này cũng diễn ra tại Hà Nội khi nhiều dự án chung cư giảm giá bán từ 15-35% nếu người mua thanh toán vượt tiến độ đến 95%.
Để giảm bớt chi phí, hiện nhiều DN còn tinh giản bộ máy, giảm lực lượng lao động. Thậm chí có DN giảm đến 50% lực lượng.
Tuy nhiên ở một góc nhìn khác, có ý kiến cho rằng cắt giảm chi phí, tinh giản bộ máy chỉ là giải pháp tạm thời, còn trong dài hạn DN cần nghĩ đến những giải pháp khác. DN phải xác định được chiến lược phát triển cụ thể, hiểu rõ chu kỳ lên xuống của thị trường.
Bàn về giải pháp “rã băng”, tìm nguồn vốn cho DN BĐS, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM cho rằng các ngân hàng thương mại nên cho người mua nhà để ở, người mua căn nhà đầu tiên được vay với lãi suất hợp lý, khi mức giá đề xuất không quá 1,8 tỷ đồng/căn (tương tự như cơ chế của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ), bởi lẽ nhiều năm qua, hầu hết người mua nhà ở xã hội đã phải vay với lãi suất thương mại 9-10%/năm.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, phải khẩn trương có giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn, có chính sách thúc đẩy hình thành các kênh dẫn như: quỹ đầu tư, tín thác, quỹ mua nhà ở cho người lao động… “Khơi thông nguồn vốn cho lĩnh vực kinh doanh BĐS, giúp dự án được triển khai liền mạch, giảm sức ép lên thị trường, đưa mức giá BĐS nhà ở xuống mức dễ chịu hơn với những hộ gia đình có nhu cầu thực. Bên cạnh đó cần hoãn nợ, hỗ trợ vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở bình dân, nhà ở xã hội cho công nhân, người có thu nhập thấp” – ông Đính đặt vấn đề.
Nhận định thị trường BĐS năm 2023, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng thị trường sẽ chuyển biến khá thận trọng. Phân khúc nhà ở duy trì mức thanh khoản nhưng nguồn cung hạn chế và vắng bóng sản phẩm vừa túi tiền người tiêu dùng. BĐS có tính chu kỳ, khi hết chu kỳ đi xuống sẽ bắt đầu phục hồi và đi lên. Nếu qua được chu kỳ như thế thì sau đó là hái quả ngọt. Tuy nhiên, để thị trường hồi phục phải cần một quãng thời gian đủ dài và có thể hết quý 1/2023 thị trường sẽ bước vào giai đoạn hồi phục.
Theo đại diện Savills, “chúng ta đang trong giai đoạn với những chỉ số về nhân khẩu học đáng lạc quan. Đây là động lực thúc đẩy chi tiêu trong nước, sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu về nhà ở, chi tiêu bán lẻ, tăng trưởng…”. Đối với thị trường bất động sản (BĐS), cho dù rất khó khăn nhưng vẫn nhận được sự quan tâm lớn của người Việt Nam.
Ông MacGregor nhìn nhận niềm tin của người mua nhà đang giảm, cùng đó là những vướng mắc về khung pháp lý và nguồn vốn khan hiếm do siết tín dụng kéo theo tính thanh khoản sụt giảm, đồng thời chi phí xây dựng tăng lên. Nhưng đó rất có thể sẽ chỉ là ngắn hạn khi nhu cầu nhà ở đang rất lớn trong vòng 10 năm nữa.
Riêng với TPHCM, nguồn cung nhà ở hạn chế trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng kết nối đang được phát triển mạnh mẽ sẽ là động lực lớn cho các thị trường lân cận.
Thị trường địa ốc sẽ được phục hồi nếu như vướng mắc về dòng vốn được khởi thông, các chính sách liên quan đến pháp luật đất đai được cải thiện. Nhưng ở trường hợp khác, cụ thể khi doanh nghiệp vẫn chật vật thiếu vốn để “nuôi” dự án, thanh khoản chậm, thị trường khó có kịch bản tươi sáng.
Khó có một diễn biến đảo chiều đột ngột trong giai đoạn từ nay đến Tết âm lịch Quý Mão dù room tín dụng ngân hàng được gia tăng. Tâm lý dè chừng của người dân khi lãi suất tăng cao trong khi các doanh nghiệp bất động sản cũng gặp khó trước áp lực thanh khoản sản phẩm cũng như đến kỳ đáo hạn trái phiếu.
Niềm tin về thị trường dồn sang năm 2023 khi các tín hiệu hỗ trợ như khơi thông dòng vốn, các quy định pháp luật liên quan đến đất đai sửa đổi.
Theo TS Trần Kim Chung – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, triển vọng của thị trường sẽ xảy ra theo 3 phương án.
Thứ nhất, phương án cơ bản: Thị trường tiếp tục điều chỉnh theo hướng thu hẹp, thực chất hơn. Đây là phương án tiệm tiến, ngoại suy và có khả năng xảy ra nhất. Trong bối cảnh các nguồn tiền không có đột biến; các chính sách cũng phải đến cuối năm 2023 mới được thông qua – nhiều khả năng thị trường sẽ phát triển theo xu thế.
Thứ hai, phương án tích cực: Thị trường có động năng mới do ban hành bộ ba luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS xuất hiện nhiều yếu tố thuận lợi đồng thời với tình hình trong và ngoài nước ổn định và vốn nước ngoài tiếp tục vận hành vào. Khi đó, vốn trong nước sẽ được kích hoạt và hấp thu để đón chờ một chu kì đi lên mới. Thị trường BĐS vượt qua điểm lõm. Phương án này có thể xảy ra những xác suất thấp vì có nhiều điều kiện nằm ngoài khả năng của nền kinh tế Việt Nam.
Thứ ba, phương án hạn chế: Kinh tế thế giới khó khăn và kinh tế trong nước bị ảnh hưởng đồng thời với kinh tế vĩ mô diễn biến đi ngang. Thị trường BĐS sẽ đi xuống do các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có khoản tiền đáp ứng yêu cầu trả lãi và tất toán, thị trường BĐS bắt buộc phải điều chỉnh giảm để cơ cấu lại thị trường. Phướng án này khó xảy ra nhưng không phải không thể xảy ra.
Tổng Hợp
(Đại Đoàn Kết, Nhịp Sống Thị Trường)