Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang hồi phục trở lại sau khi Nghị định sửa đổi bổ sung và ngừng hiệu lực thi hành một số điều tại Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành.
Trong chưa đầy 1 tháng, nhiều doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu thành công, phần nào giải tỏa được tình trạng doanh nghiệp khất nợ trái phiếu như thời gian qua.
Tháng 2 năm nay, thị trường trái phiếu chỉ có 3 lô trái phiếu phát hành thành công trị giá 2.000 tỷ đồng. Ngay sau khi Nghị định 08 có hiệu lực, trong tháng 3 đã có 8 doanh nghiệp phát hành trái phiếu thành công với gần 25.000 tỷ đồng, tăng gần 13 lần so với tháng 2. Trong đó lĩnh vực bất động sản chiếm hơn 73%. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp đã có nguồn vốn để hoàn thành các dự án đang dở dang.
Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết: “Các dự án phát triển sẽ kích thích trở lại sự phát triển kinh tế, sản xuất. Các đầu vào nguyên vật liệu máy móc công cụ phục vụ các dự án được hoạt động trở lại bình thường thì các nhà máy lại sản xuất, công nhân lại có việc làm”.
“Lòng tin của các nhà đầu tư của thị trường đã hồi phục. Các nhà đầu tư tiếp tục mua trái phiếu, từ đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân có nguồn vốn trung và dài hạn để đáp ứng nhu cầu hồi phục nền kinh tế”, TS Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên Học viện Tài chính cho biết.
Tuy nhiên, trên thực tế các ngân hàng thương mại hiện đang là đơn vị mua trái phiếu lớn nhất. Việc phát hành ra đại chúng, tức thị trường thứ cấp với sự tham gia của các quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các nhà đầu tư riêng lẻ vẫn chưa được khơi thông, dù thị trường đã bắt đầu có khởi sắc.
Dù vẫn còn quá sớm để cho rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã được khơi thông trở lại, nhưng việc doanh nghiệp phát hành thành công trong tháng 3 là tín hiệu tích cực sau khi Nghị định 08/2023 của Chính phủ được ban hành. Để thị trường trái phiếu thứ cấp hồi phục và sôi động trở lại thì quan trọng nhất là niềm tin của nhà đầu tư và vẫn cần có thời gian để khôi phục.
Nhiều thành viên thị trường kỳ vọng đây là thay đổi tích cực giúp tăng thanh khoản cho thị trường trái phiếu vốn đã trầm lắng lâu.
Ước tính quý II – III/2023, khoảng 150.000 tỷ trái phiếu doanh nghiệp sẽ đáo hạn. Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phát hành, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản gặp khó về dòng tiền, việc tham gia mua lại các trái phiếu doanh nghiệp trước nhu cầu bán lại lớn của trái chủ sẽ là hỗ trợ lớn. Tuy nhiên nhiều chuyên gia cho rằng các sửa đổi sẽ cần căn cơ hơn nữa.
Dự thảo sửa đổi Thông tư 16 có điều khoản cho phép ngân hàng thương mại mua trái phiếu doanh nghiệp trong đó có mục đích bổ sung vốn lưu động, tức là ngắn hạn dưới 1 năm, nhưng theo giới phân tích doanh nghiệp rất ít khi phát hành trái phiếu với kỳ hạn ngắn như vậy, thông thường từ 5 – 10 năm.
“Tôi thấy có mâu thuẫn ở đây, đã là trái phiếu thì thời hạn của nó phải trung hạn, tức là trên 1 năm. Với việc mua lại chỉ để bổ sung vào vốn lưu động thì e là không nhất quán. Cái hay của thị trường chứng khoán là làm cho dòng vốn trung dài hạn thành vốn ngắn hạn và nó luân chuyển liên tục từ nhà đầu tư A sang B sang C sang ngân hàng sang nhà đầu tư M”, ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước, đánh giá.
Quy định tổ chức tín dụng vẫn không được mua trái phiếu doanh nghiệp nếu phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của chính doanh nghiệp. Theo chuyên gia, điều này sẽ hạn chế hoạt động tái cơ cấu lại nợ như tinh thần Nghị định 08 vừa qua về trái phiếu doanh nghiệp.
Tổng Hợp
(VTV)