Ngày 07/7, thị trường tiếp tục đón hướng mở rộng và tăng cấp hút bớt tiền về trong điều tiết của Ngân hàng Nhà nước.
Sau ba tuần triển khai, Nhà điều hành tiếp tục bổ sung thêm kỳ hạn dài hạn trong phát hành tín phiếu theo hướng dài hơn, với 28 ngày sau khi từng bước “thí điểm” kỳ hạn 7 và 14 ngày trước đó.
Trước thềm bổ sung kỳ hạn này, tính đến ngày 06/7, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng tới 145.324,9 tỷ đồng qua kênh tín phiếu; lượng hút bớt về trước đó có kỳ hạn ngắn 7 và 14 ngày đã lần lượt đáo hạn. Số dư tín phiếu lưu hành hơn 145,3 nghìn tỷ đồng theo đó phản ánh mức độ ngày càng mở rộng.
Nối tiếp, phiên 07/7, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành tới gần 40.000 tỷ đồng tín phiếu, trong đó ở kỳ hạn mới 28 ngày có gần 20.000 tỷ đồng với lãi suất 1,5%/năm.
Như vậy, quy mô hút bớt tiền về giai đoạn này là lớn chưa từng có nhiều năm qua, ngay cả giai đoạn 2019 khi Ngân hàng Nhà nước mua ròng tới khoảng 20 tỷ USD đi cùng lượng tiền cung ứng quanh 500 nghìn tỷ đồng khi đó cũng không dồn dập đến như vậy.
Trong lịch sử hoạt động hệ thống, việc hút ròng lượng tiền lớn trong thời gian ngắn như vậy thường chỉ là nghiệp vụ cân đối bình thường sau mùa cao điểm Tết Nguyên đán để cân đối lại lượng bơm ra hỗ trợ trước đó; còn thời điểm hút ròng lớn ngay giữa năm và dồn dập như hiện nay là hiếm có.
Như cập nhật diễn biến những phiên đầu tuần này, mặc dù Ngân hàng Nhà nước tăng cấp hút bớt tiền về, song lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng lại có dấu hiệu chững lại. Và đến ngày 07/7, lãi suất VND trên thị trường này đã đồng loạt giảm.
Cụ thể, lãi suất VND qua đêm giảm khá mạnh (-0,14 điểm phần trăm) xuống còn 0,74%/năm; cuối tuần trước từng ghi nhận lên tới quanh 0,9%/năm; các kỳ hạn từ 1 tuần đến 6 tháng cũng đồng loạt giảm nhẹ.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng hệ thống đã tăng 8,15% từ đầu năm tính đến ngày 9/6/2022, gần gấp đôi so với cùng kỳ, cho thấy nhu cầu tín dụng tăng mạnh nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh quay trở lại sau đại dịch.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán VNDirect nhận định, việc Việt Nam bình thường hóa kể từ ngày 21/10/2021 cùng với các gói hỗ trợ hiện hành của Chính phủ và lãi suất cho vay thấp sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp hồi phục và nhận các khoản vay mới để hỗ trợ hoạt động, điều này giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy vậy, lạm phát hiện đang là một vấn đề đáng được quan tâm và tăng trưởng tín dụng sẽ cần phải hạn chế lại nếu như lạm phát cao hơn dự kiến.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã ra quy định kiểm soát dòng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và giám sát thận trọng hơn về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để tránh những sai phạm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.
Với mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát, không để xảy ra lạm phát và nâng cao sự phát triển bền vững của thị trường vốn, NHNN sẽ phải thận trọng hơn trong việc cấp hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Các NHTM đã ghi nhận tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2022, tuy vậy hiện tại một số ngân hàng đã sử dụng hết hạn mức tín dụng NHNN cấp từ đầu năm; và mức tín dụng mới dự kiến sẽ được cấp thêm vào cuối Quý 3/2022.
Nhìn chung, tín dụng hệ thống đã tăng nhanh 8,15% kể từ đầu năm, nhưng sẽ hạ nhiệt dần vào nửa cuối năm nay và dự kiến sẽ đạt tăng trưởng 14% cho cả năm 2022.
Đối với tăng trưởng cung tiền (M2), M2 cải thiện 3,45% từ đầu năm, 12,3% so với cùng kỳ tính đến cuối Quý 1/2022, thấp hơn tốc độ tăng 6% của tín dụng hệ thống. Tiền gửi của dân cư tăng trưởng chậm lại, chỉ tăng 3,3% so với đầu năm.
VnDirect cho rằng khách hàng cá nhân vẫn đang tìm kiếm các công cụ đầu tư có lợi suất cao hơn như trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản trong bối cảnh lãi suất tiền gửi vẫn ở mức thấp. Chênh lệch tăng trưởng huy động-tín dụng đang nới rộng sẽ phần nào đè nặng lên các ngân hàng có thanh khoản thấp.
Tổng Hợp