Ngành ngân hàng Việt Nam đang có những dự báo khá lạc quan cho năm 2023. Các chuyên gia ngân hàng dự báo ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số. Nhưng vẫn cần thanh lọc để hệ thống được mạnh mẽ hơn…
Chúng ta đang đi vào một giai đoạn với những biến động lớn trên thị trường tài chính thế giới và tại Việt Nam. Sự sụp đổ của hai ngân hàng Mỹ, FED tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong khi NHNN thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ qua việc giảm một số lãi suất điều hành có hiệu lực từ ngày 15/3/2023 là một vài sự kiện quan trọng thể hiện những biến chuyển trên thị trường tài chính. Trong khi đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng tại Việt Nam vẫn rất giới hạn, lãi suất huy động và cho vay tiếp tục được duy trì ở mức khá cao, gây khó khăn cho nền kinh tế.
Ngành ngân hàng Việt Nam đang có những dự báo khá lạc quan cho năm 2023. Các chuyên gia ngân hàng dự báo ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ tài chính số. Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động của các ngân hàng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, tạo ra sự tiện nghi và thuận tiện cho khách hàng.
Tuy nhiên, ngành ngân hàng cũng sẽ gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là trong việc kiểm soát rủi ro tín dụng liên quan đến sự suy thoái của thị trường chứng khoán và bất động sản. Đồng thời, nguồn vốn tín dụng của ngành ngân hàng sẽ bị thắt chặt vì lý do ngân hàng kiểm soát rủi ro một cách chặt chẽ hơn trong khi một phần đáng kể huy động sẽ được sử dụng cho mục đích thanh khoản, thay vì cho mục đích cho vay.
Hơn nữa tình trạng lãi suất tăng cao, lạm phát tăng, tăng trưởng chậm và các thị trường chứng khoán, bất động sản đang trong cơn khủng hoảng sẽ trực tiếp tác động tới việc kinh doanh của các ngân hàng trong ngắn, trung và dài hạn. Riêng trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng nắm một số lượng lớn trái phiếu doanh nghiệp mà hơn 300.000 tỷ TPDN đến hạn trả nợ trong năm nay với khả năng thanh toán số nợ này của các doanh nghiệp phát hành là rất thấp thì tình hình là đáng báo động cho hệ thống ngân hàng.
Với vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng ước tính khoảng 1.700.000 tỷ đồng thì lượng TPDN mà các ngân hàng đang nắm giữ tương đương với 18% vốn chủ sở hữu. Việc vỡ nợ hàng loạt của TPDN nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng và có khả năng kéo hệ số an toàn vốn của ngân hàng (CAR) từ mức 11,69% tính vào tháng 10/2022 theo thống kê của NHNN xuống mức dưới 10% cho toàn thể hệ thống các TCTD, tăng mức rủi ro hệ thống cho các ngân hàng Việt Nam.
Với những ngân hàng nhỏ, nắm giữ một lượng TPDN lớn mà là những trái phiếu có khả năng mất thanh khoản thì nguy cơ kéo những ngân hàng này vào vùng mất an toàn là rất lớn. NHNN có thể đang thanh tra rất sát sao mảng này để tránh một sự đổ vỡ mang tính hệ thống (systemic risk).
Những rủi ro nào đang chực chờ hệ thống ngân hàng Việt?
Nếu xét đến sức khoẻ của ngân hàng theo chỉ tiêu CAMELS thì ngành ngân hàng Việt Nam hiện nay đang đối mặt với ba vấn đề lớn là thanh khoản, chất lượng tài sản và lãi suất.
Trước hết, các ngân hàng đang đối mặt với vấn đề thanh khoản. Một vài ngân hàng đang hoàn toàn trông cậy vào sự trợ giúp của NHNN để bảo toàn thanh khoản (khả năng trả tiền gửi khách hàng, trả nợ). Sự thiếu hụt thanh khoản đến từ 2 nguyên nhân chính: Một là nợ xấu làm dòng tiền cho vay không trở lại và do đó buộc ngân hàng phải huy động vốn mới với lãi suất cao để bù đắp thanh khoản; Hai là các khoản đầu tư nhiểu rủi ro, trong đó có việc nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, trong khi nhiều nhà phát hành trái phiếu phải hoãn nợ. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định số 08 để khơi thông thị trường trái phiếu đang đóng băng vì nhiều nhà phát hành đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Cũng vì thiếu thanh khoản nhiều ngân hàng vẫn phải duy trì lãi suất cao để huy động tiền gửi. Lãi suất huy động cao đẩy lãi suất cho vay cao làm tê liệt nền kinh tế và đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngưng hoạt động hay phá sản. Cứ như thế, vòng xoáy doanh nghiệp gặp khó khăn đưa đến nợ xấu và chậm trả nợ; nợ xấu và hoãn nợ dẫn đến tăng lãi suất để huy động vốn mới để trả vốn cũ và từ đó đẩy lãi suất lên cao, tạo ra nguyên nhân nhiều doanh nghiệp bị đánh bật khỏi thị trường. Cuối cùng, khủng hoảng và suy thoái sẽ xuất hiện.
Cải thiện chất lượng tài sản của ngân hàng là giải pháp khác để khơi thông nguồn vốn
Hệ thống ngân hàng không thể tăng cường và khai thông nguồn vốn tín dụng nếu vấn đề chất lượng tài sản của ngành ngân hàng cũng đang đặt ra nhiều lo ngại khi nợ xấu có xu hướng đi lên.
Thực tế, chất lượng tín dụng trong quý IV/2022 của các ngân hàng cho thấy, kết quả kinh doanh nhiều ngân hàng không khả quan, và tỷ lệ nợ xấu tăng lên, dù tỷ lệ dự phòng trên tổng nợ xấu rất cao với độ bao phủ tại một số ngân hàng lên đến 200-300%. Một trong những nguyên nhân nợ xấu đang tăng là do từ năm 2020 các ngân hàng thực hiện phân loại lại nợ xấu, nợ quá hạn theo quy định của NHNN, đặc biệt là sau khi Thông tư 14/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng do dịch COVID-19. Các quy định này đã hết hạn vào ngày 30/6/2022 và nay nhiều món nợ trên được phân loại nợ theo đúng theo qui định hiện hành và trở thành nợ xấu và nợ mất vốn.
Thêm vào đó, sang năm 2023 tình hình nợ xấu lại xấu đi vì các doanh nghiệp tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn. Theo VCCI, có đến 51.000 doanh nghiệp ngưng hoạt động hay giải thể trong hai tháng đầu năm 2023, một tình trạng rất báo động. Trong khi đó sức cầu yếu. Chỉ cần đi một vòng các siêu thị, trung tâm mua sắm chúng ta cũng thấy sự vắng vẻ, thiếu cảnh nhộn nhịp của những ngày đầu năm thường thấy trong những tháng đầu năm.
Chất lượng tài sản ngân hàng mà cụ thể là chất lượng các khoản cho vay của ngân hàng là điểm tối trong hệ thống đánh giả sức khoẻ ngân hàng CAMELS.
Để cải thiện chất lượng tài sản, chúng ta cần:
Thứ nhất là nên minh bạch các con số và thông tin về nợ xấu. Nợ xấu sẽ không tự nhiên biến mất nếu cứ mãi “Sweeping all the trash under the carpet” (Quét rác rưởi xuống dưới tấm thảm đẹp để che phủ).
Thứ hai, ngân hàng có thể tìm cách bán nợ xấu trên sàn giao dịch nợ xấu mà VAMC đã thành lập năm ngoái. Tuy nhiên, để chợ nợ xấu được hoạt động mạnh, luật pháp cần sửa đổi việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm, thế chấp, cầm cố.
Thứ ba, Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu đã được gia hạn từ 15/8/2022 đến 31/12/2023. Nghị quyết này cần bổ sung sửa đổi hay thay thế bằng một Nghị quyết khác của Quốc hội để biến việc xư lý nợ xấu thành luật và cần phải được bổ sung nhiều điều khoản để công việc xử lý nợ và thu hồi nợ hiệu quả hơn và phù hợp hơn trong môi trường kinh doanh và pháp luật mới.
Thứ tư, các cơ quan quản lý và thanh tra nên đặc biệt quan tâm đến hai lĩnh vực được dự báo tiềm ẩn rủi ro tín dụng cao nhất là cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản và cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán.
NHNN cho biết đã thanh tra đột xuất một số ngân hàng và xử phạt những đơn vị vi phạm về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp. NHNN nên công bố thông tin về kết quả của lần thanh tra này liên quan đến những vi phạm cụ thể của các ngân hàng để đại chúng có thể biết những sai phạm của các ngân hàng để tránh. Dĩ nhiên, NHNN không cần nêu đích danh các ngân hàng bị thanh tra. Việc thanh tra chắc chắn sẽ giúp cải thiện các hoạt động cho vay của các ngân hàng và từ đó giúp khai thông nguồn vốn tín dụng.
Tuy nhiên, trong hệ thống ngân hàng hiện nay có nhiều ngân hàng có sức khoẻ tài chính rất yếu kém và chỉ sống dụa vào sự hỗ trợ của NHNN. Muốn khai thông nguồn vốn tín dụng và các nguồn vốn khác thì hệ thống ngân hàng Việt Nam phải được cải tổ một cách toàn diện và thực chất. Hệ thống ngân hàng chưa hoạt động một cách hiệu quả thì việc khai thông nguồn vốn chỉ mang tính ngắn hạn và giải pháp tình thế.
Khuyến nghị, với những ngân hàng nào được đánh giá ở thang điểm có nguy cơ vỡ nợ hay phá sản NHNN nên có kế hoạch sát nhập hay rút khỏi thị trường ngân hàng, thay vì cho phép họ tồn tại nhưng đang trở thành một lực cản cho sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống tài chinh. Sự khai thông nguồn vốn tín dụng và đầu tư chỉ có thể thực hiện hiệu quả nếu hệ thống ngân hàng loại bỏ được những thành phần “counter-productive” (kém hiệu quả).
Tổng Hợp
(Nhà Đầu Tư)