Thực tế 3 lần khủng hoảng đã trải qua, mỗi lần khủng hoảng thì khoảng 30% môi giới bỏ nghề. Thị trường đang bước vào giai đoạn thanh lọc.
Thị trường bất động sản trước đó đã thu hút mạnh mẽ lực lượng không chuyên tham gia vào công việc môi giới. Nhiều người bị hấp dẫn bởi những khoản hoa hồng lớn sau các giao dịch, tham gia vào thị trường mà không có các kiến thức nền tảng, cũng không xác định là sự nghiệp lâu dài. Do đó, sau mỗi đợt khủng hoảng, lực lượng này sẽ rời bỏ công việc và đây là chu kỳ thanh lọc bình thường của thị trường, bớt những môi giới không chuyên nghiệp, không yêu nghề.
Các chủ đầu tư lớn vẫn đang chuẩn bị tốt nguồn hàng ra mắt thị trường sau khi giãn cách được nới lỏng. Tại miền Nam, các chủ đầu tư lớn như Hưng Thịnh, Novaland, Nam Long và cả Vạn Phúc cũng đang trong trạng thái chuẩn bị kỹ nguồn hàng để ra mắt thị trường khi giãn cách được nới lỏng, các doanh nghiệp tin tưởng hoạt động bán hàng sẽ trở lại rất nhanh sau đó. Theo đó, điều chỉnh các chính sách bán hàng đủ hấp dẫn và sát với thị trường để các sàn giao dịch và đội ngũ môi giới dễ dàng đưa sản phẩm đến với khách hàng; đồng thời, khách hàng cũng an tâm giao dịch với thời gian lên tới từ 2 – 3 năm.
Mặc dù doanh thu giảm mạnh, thậm chí không có, nhưng chi phí thuê mặt bằng văn phòng, bảo hiểm xã hội, tiền lương, tiền thuế lên đến hàng tỷ đồng mỗi tháng vẫn phải trả. Hơn nữa, dòng tiền của các chủ đầu tư cũng eo hẹp nên các sàn khó thu hồi công nợ. Hoạt động kinh doanh, bán hàng bị ngưng trệ, nhân viên không có thu nhập, dẫn đến việc rời bỏ công ty. Khách hàng hiện nay được tiếp cận nhiều thông tin, trở thành nhà đầu tư, tiêu dùng thông minh hơn. Biết phân tích đánh giá, đưa ra quyết định dựa trên số liệu thuyết phục chứ không chỉ đơn giản là lời hứa, thương hiệu hay hiệu ứng đám đông. Bởi vậy, những nhà phát triển dự án hay đầu tư kinh doanh bất động sản cũng phải tự nâng cấp để đáp ứng nhu cầu, hành vi khách hàng.
Môi giới bất động sản thời gian qua đã trở thành một nghề hot với những người có tham vọng muốn kiếm nhiều tiền. Mặt khác, đây cũng là ngành nghề bến đỗ cho nhiều nhân sự nghỉ việc từ các ngành khác sau ảnh hưởng của đại dịch. Tuy nhiên, nghề môi giới bất động sản là một nghề khắc nghiệt, bởi các môi giới phải đối diện với thực tại nhiều tháng liền không bán được sản phẩm nào. Việc môi giới “bỏ nghề” sau các làn sóng dịch bệnh chính bởi nguyên nhân đến với thị trường không có mục tiêu sự nghiệp và sự chuẩn bị kỹ càng.
Song, các chuyên gia cho rằng, “trong nguy có cơ”, những môi giới chuyên nghiệp, có tâm với nghề chắc chắn sẽ trụ vững qua đại dịch, đồng thời học hỏi kỹ năng sống sót qua khủng hoảng cũng là một loại vaccine vượt khó. Theo kết quả khảo sát hơn 140.000 thành viên trên cộng đồng Review Bất động sản, 70% môi giới cho biết sẽ quay trở lại công việc khi các hoạt động kinh doanh diễn ra trở lại, 20% môi giới cho biết sẽ chuyển nghề và 10% chưa có định hướng.
Sức ảnh hưởng của Covid-19 đến DN môi giới BĐS vô cùng lớn, 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% DN còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Nếu phải duy trì thêm một, hai tháng nữa để chống dịch thì tỷ lệ nguy cơ phá sản sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện tại, hơn 80% DN môi giới BĐS không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp.
Cương Nguyễn