Việc làm sạch dữ liệu giao dịch là cần thiết, biến động số lượng tài khoản trong thời gian này không quá đáng ngại. Thị trường chứng khoán minh bạch hơn khi hàng triệu tài khoản biến mất.
Tháng 10, số tài khoản chứng khoán bị đóng cao gấp 3,2 lần lượng mở mới. Theo số liệu từ Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD), hơn 545 nghìn tài khoản đã đóng, và chỉ có 167 nghìn tài khoản mở mới. Như vậy, gần 380 nghìn tài khoản đã biến mất trong tháng 10.
VSD cho biết, CTCP Chứng khoán MB (MBS) có số tài khoản đóng cao nhất, hơn 543 nghìn tài khoản. Qua trao đổi, MBS cho biết đang trong quá trình rà soát, thực hiện đóng các tài khoản đã mở trước đó nhưng không phát sinh giao dịch.
Trước đó, MBS từng ghi nhận tăng trưởng tài khoản mở mới thần tốc. Đến cuối năm 2022, số tài khoản tại MBS là 1,425 triệu tài khoản, chiếm hơn 20% toàn thị trường.
Số lượng tài khoản đã tăng gần 4 lần chỉ trong năm 2022. Thế nhưng, chỉ qua 1 tháng rà soát lại tài khoản không phát sinh giao dịch, MBS đã đóng hơn nửa triệu tài khoản. Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ủy ban chứng khoán Nhà nước hoàn thành việc làm sạch dữ liệu người giao dịch chứng khoán trong tháng 11 này. Làm sạch dữ liệu người dùng là đối chiếu thông tin của họ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đảm bảo trùng khớp và loại bỏ dữ liệu sai, trùng lặp hoặc thông tin ảo.
Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng, việc làm sạch dữ liệu giao dịch là cần thiết, biến động số lượng tài khoản trong thời gian này không quá đáng ngại.
“Theo quy định, tại mỗi công ty chứng khoán, cá nhân được mở 1 tài khoản. Tuy nhiên, để san sẻ rủi ro, tận dụng ưu đãi thuế phí, margin,… một nhà đầu tư thường sở hữu tới vài tài khoản chứng khoán”, ông Hải phân tích.
Theo đó, số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã lên tới 7,45 triệu đơn vị. Nhiều báo cáo, tính toán cho rằng, trên 7% dân số Việt Nam đầu tư chứng khoán, vượt mục tiêu 5% vào năm 2025, theo đề án cơ cấu lại thị trường chứng khoán, bảo hiểm.
Tuy nhiên, Phó chủ tịch VAFI bày tỏ lo ngại, cách tính này chưa thực chất, khi một nhà đầu tư có thể nắm nhiều tài khoản. Để biết chính xác bao nhiêu phần trăm dân số đầu tư chứng khoán, ông Hải đề nghị thống kê theo căn cước công dân. VSD có thể lọc số liệu theo căn cước, để ra số chính xác.
Đa phần các tài khoản bị đóng thường là tài khoản không hoạt động, nên chuyên gia cho rằng, thị trường sẽ không chịu ảnh hưởng từ thông tin này. Ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc Phân tích CTCP FIDT kỳ vọng, yêu cầu làm sạch dữ liệu chứng khoán và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ giúp các thông tin về lượng tài khoản chứng khoán và lượng nhà đầu tư tham gia thị trường chuẩn xác hơn.
Tổng Hợp
(Tiền Phong)