Sau việc nới room tín dụng của NHNN, thị trường bất động sản (BĐS) sẽ “đỡ hơn”. Nhưng thị trường bất động sản đang chờ được “giải cứu” từ tín dụng hay pháp lý?
Thị trường bất động sản những năm qua đối mặt với nhiều khó khăn do hàng loạt doanh nghiệp (DN), dự án gặp vướng mắc về pháp lý, đến nay những vấn đề về tài chính càng khiến tình trạng này nghiêm trọng hơn.
TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Cấp cao Bộ phận Tư vấn Đầu tư Savills Việt Nam, nhận định việc hệ thống ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, lãi suất tăng; Bộ Tài chính tăng cường kiểm soát trái phiếu DN đã tạo những khó khăn trực tiếp cho thị trường BĐS thời gian gần đây.
Trước đó, trước tình hình thị trường BĐS có nhiều biến động thời gian qua (nguồn cung có chiều hướng giảm; giao dịch bất động sản trầm lắng, tính thanh khoản giảm; một số doanh nghiệp bất động sản phải dừng hoạt động liên quan đến đầu tư dự án nhà ở, bất động sản), Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Tổ công tác do Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng.
Tổ công tác có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản.
Theo ông Sinh, qua nắm bắt tình hình, Tổ công tác đã trao đổi trực tiếp, hướng dẫn về mặt thực thi pháp luật; phối hợp với các địa phương phân loại khó khăn vướng mắc, xác định thẩm quyền giải quyết từng nhóm vấn đề. Đối với các vướng mắc thuộc thẩm quyền địa phương, Tổ công tác rà soát, đề nghị địa phương khẩn trương triển khai phê duyệt dự án, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), thị trường BĐS, các DN, người mua nhà và nhà đầu tư BĐS đều đang rất khó khăn, khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trong đó có nhiều DN thiếu thanh khoản hoặc mất thanh khoản do thiếu dòng tiền hoặc âm dòng tiền. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường BĐS có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Thực tế, không ít DN BĐS hiện nay đã rơi vào tình trạng cạn kiệt nguồn vốn. Họ đang rất cần vốn để triển khai dự án, trả lương cho nhân viên, trả nợ ngân hàng và nhà cung cấp. Phó tổng giám đốc một DN BĐS quy mô nhỏ ở TP HCM cho biết công ty đang có 2 dự án tại TP Thủ Đức, trong đó một dự án bị vướng pháp lý, dự án còn lại đã đủ điều kiện để triển khai nhưng không huy động được vốn.
“Chúng tôi chỉ muốn vay 20-30 tỉ đồng để triển khai dự án mà không được ngân hàng chấp thuận dù có tài sản thế chấp. Thực tế, chỉ cần có vốn mồi, chúng tôi sẽ triển khai dự án, có sản phẩm bán ra thị trường sẽ sớm giải quyết được khó khăn hiện tại” – lãnh đạo DN này cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển, đã có tình trạng một số DN BĐS chấp nhận vay thỏa thuận bên ngoài với lãi suất 3%-4%/tháng để cầm cự vì không thể vay vốn ngân hàng dù có tài sản thế chấp do các ngân hàng đều lắc đầu vì hết room tín dụng.
Chủ tịch HoREA nhấn mạnh thị trường BĐS, DN BĐS hiện nay không đề nghị “giải cứu” mà chỉ mong Nhà nước hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật; tạo điều kiện để thị trường điều chỉnh, tự điều tiết, đi đôi với một số giải pháp kích cầu như hỗ trợ cho người mua nhà để ở, người mua nhà lần đầu với lãi suất hợp lý.
DN BĐS cũng phải thấy rõ trách nhiệm của mình mà chủ động tái cấu trúc DN, tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản phẩm hướng về nhu cầu thực và thực hiện giảm giá nhà tương đối nhằm đưa thị trường vượt qua khó khăn, từng bước phục hồi, tăng trưởng, phát triển minh bạch, an toàn, bền vững.
Ngoài ra, để khơi thông dòng vốn, thị trường tín dụng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét nâng trần “room” tín dụng thêm khoảng 1% để có thêm khoảng 100.000 tỉ đồng bơm cho nền kinh tế.
Đặc biệt, Luật Đất đai sửa đổi 2023 sẽ được ban hành như kế hoạch vào nửa cuối 2024, sẽ giúp tháo gỡ các nút thắt pháp lý trong việc phê duyệt dự án nhà ở mới, từ đó giúp nguồn cung nhà ở phục hồi từ 2024-2025.
Tổng Hợp