Thị trường bất động sản đã bắt đầu trở mình sau hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ và các bộ, ngành.
Cùng vận động với nền kinh tế, phần lớn các doanh nghiệp đều trải qua giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên, thị trường vẫn quan tâm nhiều đến sự vận động của nhóm doanh nghiệp bất động sản, bởi đây là nhóm doanh nghiệp có nhiều câu chuyện.
Tổng giám đốc của một doanh nghiệp bất động sản đang niêm yết trên HOSE cho biết, Chính phủ đã ban hành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, nếu giai đoạn đầu chỉ mang tính đôn đốc và thúc đẩy giải quyết thủ tục pháp lý cho các dự án, thì chuyển động trong 2 – 3 tháng trở lại đây đã có sự thay đổi nhất định.
Việc Chính phủ, các bộ, ngành đưa ra những chính sách hỗ trợ kịp thời có ý nghĩa lớn trong việc tạo động lực và nguồn lực cho sự phục hồi của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước cho phép ngân hàng thương mại mua lại trái phiếu doanh nghiệp đã bán ra trước đó nhằm khơi thông dòng vốn ngân hàng vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung và thị trường bất động sản nói riêng. Thông tư 02/2023/TT-NHNN cho phép giữ nguyên nhóm nợ 1 năm với các doanh nghiệp gặp khó khăn về dòng tiền do các nguyên nhân khách quan của nền kinh tế và có thể phục hồi trong tương lai.
Với doanh nghiệp ngành bất động sản, gốc rễ vấn đề nằm ở điều chỉnh quy định pháp luật để tháo gỡ vướng mắc và các chính sách liên quan đến pháp lý đã bắt đầu phát huy tác dụng.
“Tuy nhiên, với những doanh nghiệp đang thực hiện nhiều dự án, chúng tôi vẫn mong muốn có những biện pháp cụ thể để sớm xử lý đối với các dự án cũ, cũng như tạo hành lang pháp lý cho phát triển dự án bất động sản mới. Đặc biệt, quy hoạch chung và quy hoạch phân khu là cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho công tác phát triển dự án đô thị mới tại các địa phương hiện đã có sự chuyển biến, song vẫn khá chậm”, vị tổng giám đốc doanh nghiệp chia sẻ.
Bên cạnh pháp lý, lãi suất cũng là vấn đề được thị trường quan tâm trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết, dù lãi suất đã giảm, nhưng điều kiện cho vay vẫn thắt chặt nên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn. Những doanh nghiệp muốn vay thì không đủ điều kiện được vay, trong khi nhóm doanh nghiệp đủ điều kiện được vay thì lại đang giảm nhu cầu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm, dù lãi suất giảm.
Đánh giá chung về những chuyển động của nhóm doanh nghiệp trong ngành bất động sản, ông Trần Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG) cho rằng, trong giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện thu hẹp quy mô, cấu trúc lại doanh nghiệp, đặc biệt là công tác nhân sự phù hợp tình hình thực tế.
Cấu trúc danh mục dự án đầu tư, tập trung nguồn lực duy trì khai thác tốt và hiệu quả nguồn thu, dự án hiện đang có.
Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chiến lược định vị lại thương hiệu trên thị trường, cũng như xác định rõ mục tiêu trong ngắn và dài hạn, từ đó chuẩn bị nguồn dự án mới cho dự án trong tương lai khi vướng mắc cơ chế chính sách được tháo gỡ.
“Có thể thấy, ngành bất động sản đang trải qua giai đoạn sàng lọc, theo đó các doanh nghiệp phát triển nóng, thiếu chuyên nghiệp, năng lực yếu sẽ bị thanh lọc, trong khi nhóm doanh nghiệp hoạt động bài bản, tiềm lực tốt sẽ trụ vững và phát triển mạnh sau giai đoạn khó khăn”, ông Dũng nói và cho rằng, nhóm doanh nghiệp bất động sản sau giai đoạn khó khăn sẽ chuyên môn hóa trong ngành nghề sản xuất cốt lõi, không nhiều doanh nghiệp đa ngành như giai đoạn trước. Do hoạt động đầu tư các dự án bất động sản sẽ đòi hỏi nguồn vốn dồi dào hơn, quy trình đầu tư chặt chẽ hơn…
Lãnh đạo Tổng CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng (DIG) cho rằng, những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã bắt đầu “ngấm” vào thực tế. Đơn cử, chính sách giãn nợ giúp các doanh nghiệp giảm bớt áp lực đáo hạn nợ vay, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về thị trường, dòng tiền để tập trung nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng khác của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng giảm. Điều này sẽ mang lại tác động tích cực nhất với phần lớn các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp bất động sản, vốn có khoản dư nợ vay khá lớn.
Với các doanh nghiệp có sức khỏe tài chính tốt, đây sẽ là điều kiện để đi vay vốn nhằm thực hiện các thương vụ mua lại dự án. Với các doanh nghiệp có dư nợ vay lớn, đây là cơ hội tốt để đảo nợ, giảm lãi suất và áp lực nợ vay mà doanh nghiệp phải chịu. Kèm theo đó, với các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn lớn để thực hiện dự án như bất động sản, xây dựng, đầu tư công, việc giảm lãi suất sẽ tăng cơ hội để được vay vốn và tăng khả năng trúng các gói thầu lớn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cũng tin rằng, nhóm doanh nghiệp ngành bất động sản nói riêng và thị trường bất động sản nói chung sẽ hồi phục từ đầu quý IV/2023. Theo ông Lực, các chính sách như giảm lãi suất, những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ, từ chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ đã bắt đầu “ngấm” vào thực tiễn.
“Đến thời điểm cuối năm 2023, nhiều chính sách, thể chế, luật pháp có liên quan đến lĩnh vực bất động sản về cơ bản sẽ được Quốc hội thông qua. Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đấu giá, Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đến giờ đã cực kỳ rõ ràng”, ông Lực cho biết.
Trong khi đó, theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCK VPBank, từ nay đến cuối năm 2023, tháo gỡ về cách tiếp cận vốn của các doanh nghiệp bất động sản đóng vai trò quan trọng để đảm bảo khả năng huy động vốn, giải quyết những dự án ách tắc đang trong quá trình triển khai. Yếu tố thứ hai là tháo gỡ về pháp lý để các dự án sớm được đưa ra thị trường.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)