Năm nay, nền kinh tế ổn định, nguồn lực quốc gia tốt. Thị trường bất động sản không có dấu hiệu khủng hoảng bởi lực cầu rất mạnh và lượng cung yếu tạm thời.
Báo cáo thị trường bất động sản của nhiều đơn vị nghiên cứu công bố mới đây cho thấy, thị trường đang đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc tái cơ cấu nợ do thắt chặt các khoản vay ngân hàng vào bất động sản và giám sát chặt chẽ trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, lãi suất tăng làm suy yếu nhu cầu mua nhà. Nguồn cung mới có thể sụt giảm bởi quá trình phê duyệt pháp lý chờ được khai thông với Luật đất đai sửa đổi. Nếu không được tháo gỡ, thị trường bất động sản có thể bước vào một giai đoạn đóng băng dài và gây đổ vỡ cho các doanh nghiệp.
Tại diễn đàn bất động sản với chủ đề về proptech do báo Thanh Niên tổ chức chiều 13/12, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính cho biết, đầu năm 2021, thị trường đón nhận hàng loạt cơn “sốt đất” trên diện rộng. Số lượng nhà đầu tư bất động sản tham gia thị trường tăng cao chưa từng có, tỷ lệ thuận với số lượng nhà đầu tư tham gia vào thị trường chứng khoán.
Hiện tại, theo ông Đính, giá bất động sản bị đẩy quá cao, không phù hợp nhu cầu người dân. Áp lực tăng giá đầu vào như vật liệu xây dựng, thiết bị, máy móc, nhân công, giá đất, chi phí vốn… và lạm phát tăng cao đã gây áp lực lên giá thành bất động sản.
“Dù giá bất động sản có giảm trong những tháng cuối năm nhưng vẫn gấp nhiều lần so với thời điểm 2018. Cắt lỗ chỉ đúng với nhà đầu tư ngắn hạn”, ông Đính nhấn mạnh.
Thị trường bất động sản năm 2022 có phải đang lặp lại chu kỳ khủng hoảng (năm 2008-2013), ông Đính cho rằng điểm giống nhau giữa 2 giai đoạn trên là thị trường phát triển nóng, nguồn vốn chảy vào bất động sản mạnh, không kiểm soát được hoạt động đầu tư, đầu cơ dẫn đến thị trường bị đẩy giá, tạo sốt, bong bóng.
Tuy nhiên, ở hai giai đoạn nêu trên, nền kinh tế Việt Nam đều bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn của nền kinh tế thế giới, đều phải áp dụng chính sách tiền tệ để điều chỉnh vĩ mô. Theo ông Đính, cả hai giai đoạn này đều có hiện tượng bơm vốn vào thị trường bất động sản ồ ạt, không kiểm soát, dẫn đến bùng nổ bong bóng và trầm lắng.
Do đó, ông cho biết, nếu ở thời gian 2008 đến 2013 là thời điểm nền kinh tế có dấu hiệu suy thoái, thị trường bất động sản có dấu hiệu khủng hoảng bởi thừa cung nên chính sách vĩ mô khi đó phải làm sao để “phá băng” hàng tồn. Còn năm nay, nền kinh tế ổn định, nguồn lực quốc gia tốt. Thị trường bất động sản không có dấu hiệu khủng hoảng bởi lực cầu rất mạnh và lượng cung yếu tạm thời.
Sau khi liên tiếp xảy ra các đợt “sốt đất”, mặt bằng giá của tất cả phân khúc bất động sản, đặc biệt là các sản phẩm đất nền, nhà ở giá trị lớn đã tăng 30-50%, thậm chí có nơi tăng gấp 2-3 lần so với năm 2019.
Tuy nhiên, từ đầu quý II vừa qua, thị trường ghi nhận sự chững lại do tín dụng vào bất động sản bị siết chặt, vấn nạn phân lô bán nền vào tầm ngắm kiểm soát. Những áp lực tài chính đè nặng khiến nhiều nhà đầu tư có nhu cầu “thoát hàng” nhằm thu hồi vốn để trả nợ hoặc tái đầu tư.
Hiện tại, nhiều phân khúc bất động sản như đất nền, nhà liền kề, biệt thự có tốc độ tăng giá nhanh thời gian trước đó đang có xu hướng giảm giá. Trên thị trường cũng xuất hiện ngày càng nhiều thông tin rao bán bất động sản “cắt lỗ”, nhưng các nhà đầu tư đánh giá, mức giá đó vẫn cao.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Thanh Niên)