Kênh bancassurance vẫn đang trong ‘tâm bão’, trong khi doanh thu khai thác mới qua kênh đại lý vẫn chưa cải thiện, nên dự báo tăng trưởng 2 kênh này trong tháng 6 cũng như quý II/2023 tiếp tục kém khả quan bởi 2 tháng trước đều đã tăng trưởng âm. Thị trường bảo hiểm nhân thọ vừa trải qua cuộc khủng hoảng truyền thông lớn nhất.
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Thống kê, dù tổng số tiền đầu tư trở lại nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 725.400 tỷ đồng, tăng 15,4% và chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35.300 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước, thế nhưng tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2023 toàn ngành ước đạt 61.300 tỷ đồng, giảm 3,12% và trong nửa đầu năm, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,62% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 35.600 tỷ đồng, tăng 3,3% và lĩnh vực nhân thọ ước đạt 81.400 tỷ đồng, giảm 3,6%.
“Kênh bancassurance vẫn đang trong ‘tâm bão’, trong khi doanh thu khai thác mới qua kênh đại lý vẫn chưa cải thiện, nên dự báo tăng trưởng 2 kênh này trong tháng 6 cũng như quý II/2023 tiếp tục kém khả quan bởi 2 tháng trước đều đã tăng trưởng âm. Do đó, lo ngại tăng trưởng phí mới tiếp tục giảm sút trong quý III này là có cơ sở, nhất là kinh tế vẫn khó khăn, niềm tin vào bảo hiểm chưa được phục hồi, các đợt thanh – kiểm tra tiếp tục được thực hiện…”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cho hay.
Được biết, sau khi công bố kết quả thanh tra 4 doanh nghiệp gồm Prudential, MB Ageas, Sun Life và BIDV Metlife, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ đầu tháng 7 mới đây, ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết sẽ triển khai thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, trong đó tập trung vào sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và sự liên kết kinh doanh bảo hiểm – ngân hàng. Năm 2023, Bộ Tài chính có kế hoạch thanh kiểm tra 10 công ty bảo hiểm cả trong lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ.
Khác với khối nhân thọ, khó khăn với các doanh nghiệp phi nhân thọ chủ yếu do kinh tế suy thoái, kéo theo sự giảm tốc của nhiều lĩnh vực, ngành nghề, từ đó dẫn tới doanh thu các nghiệp vụ bảo hiểm xây dựng, bảo hiểm hàng hóa, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu… sụt giảm.
Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác khiến bảo hiểm phi nhân thọ chưa thể tăng tốc là các nghiệp vụ bán lẻ chưa trở lại “đường đua”. Thị trường ô tô khó khăn kéo theo sự đi xuống của nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới, nên trong các nghiệp vụ bán lẻ, bảo hiểm con người vẫn là động lực tăng trưởng chính. Tuy nhiên, do tỷ lệ bồi thường của nghiệp vụ này tăng cao (năm 2022 đạt hơn 30%) và là nguyên nhân chính gây thua lỗ tại một số công ty bảo hiểm nên việc khai thác trở nên thận trọng hơn.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông tổ chức mới đây, bà Phạm Minh Hương – Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cho biết, sản phẩm Vững Tâm An từng gây tổn thất rất lớn và hiện vẫn đang phải xử lý hậu quả, làm giảm uy tín của Công ty trên thị trường. Được biết, năm 2022, PTI lỗ 347,4 tỷ đồng chủ yếu xuất phát từ tỷ lệ bồi thường cao của sản phẩm bảo hiểm Vững Tâm An.
Dẫu vậy, trong bối cảnh hiện tại, các sản phẩm bán lẻ như bảo hiểm cơ giới hay bảo hiểm con người vẫn được xem là “cứu cánh” cho các doanh nghiệp phi nhân thọ, như chia sẻ của bà Phạm Minh Hương, PTI sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược là nhà bảo hiểm bán lẻ hàng đầu thị trường.
Chị Diệu Hiền (quận 8, TP.HCM) cho biết để có thể mua một căn hộ bình dân tại khu vực đang sinh sống, chị được chủ đầu tư giới thiệu đến một ngân hàng có liên kết để vay hơn 1 tỉ đồng, thế chấp bằng chính căn hộ.
Tuy nhiên theo tư vấn của nhân viên ngân hàng, muốn được giải ngân khoản vay này, chị phải mua gói bảo hiểm nhân thọ 40 triệu đồng.
Vì đã dồn hết tiền đóng cho chủ đầu tư, chị Hiền được nhân viên ngân hàng này gợi ý… vay thêm 40 triệu đồng để mua bảo hiểm nhân thọ!
Do vậy trong cùng một ngày, ngoài hợp đồng cho vay khoản tiền hơn 1 tỉ đồng, chị Hiền còn được ngân hàng làm thêm một hợp đồng khác “cho vay thanh toán phí bảo hiểm nhân thọ năm đầu tiên” với số tiền 40 triệu đồng. “Tôi mua bảo hiểm nhân thọ để làm gì nếu không phải do ngân hàng ép buộc”, chị Hiền bức xúc.
Trong khi đó, do cần vốn làm ăn, chị Thảo (đề nghị đổi tên, TP.HCM) đã phải chấp nhận ký hợp đồng mua bảo hiểm nhân thọ với số tiền lên tới 180 triệu đồng/năm cho khoản vay 2,7 tỉ đồng.
Dù được ngân hàng này “ưu đãi” hoàn tiền phí bảo hiểm hơn 10 triệu đồng và miễn phí thường niên thẻ tín dụng (dưới 2 triệu đồng), nhưng con số này quá nhỏ so với khoản phí bảo hiểm nhân thọ phải đóng, chiếm gần 7% khoản vay.
Anh Thanh Châu (quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết đã phải mua gói bảo hiểm nhân thọ trị giá 20 triệu đồng để được giải ngân khoản vay 200 triệu đồng. Do không tiếp tục đóng tiền cho năm thứ hai, anh Châu mất số tiền lên tới 10% giá trị khoản vay.
“Không mua bảo hiểm thì hồ sơ ngâm đó, không có hạn chót giải ngân, hồ sơ đẹp cũng phải nằm đó tới mùa quýt. Mua bảo hiểm thì giải ngân nhanh, khoảng một tuần có tiền. Tới nhiều ngân hàng đều vậy”, anh N.T.Định (Nha Trang) khẳng định.
Theo quy định, khách hàng có 21 ngày cân nhắc để tiếp tục duy trì hoặc hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ. Tuy nhiên, theo dữ liệu có được, có khách hàng còn bị nhân viên ngân hàng chửi thậm tệ chỉ vì muốn hủy hợp đồng bảo hiểm, dù đúng luật.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán VNDirect, những năm gần đây, doanh thu mảng bảo hiểm nhân thọ khai thác mới qua kênh ngân hàng đã tăng cấp số nhân.
Năm 2022, theo dữ liệu từ Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới qua kênh ngân hàng tăng 45% so với năm trước đó. Các ngân hàng dẫn đầu về doanh số bán bảo hiểm gồm: MBBank, VIB, Sacombank, ACB, Vietcombank…
Để tăng số tiền thu vào, theo VCBS, một số ngân hàng đã chuyển từ mô hình giới thiệu bảo hiểm sang bán hàng trực tiếp với tỉ lệ hoa hồng cao hơn.
Nhưng trong năm 2023, theo các chuyên gia phân tích của VCBS, việc các cơ quan chức năng “đẩy mạnh thanh tra kiểm tra ngân hàng ép khách mua bảo hiểm có thể khiến hoạt động bán chéo bảo hiểm của ngân hàng gặp khó khăn hơn các năm trước đây”.
Tuy nhiên nhiều ngân hàng vẫn được “lót tay” cả ngàn tỉ đồng từ các hợp đồng ký kết hợp tác độc quyền với công ty bảo hiểm.
Chẳng hạn LPBank đã chính thức ký hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life trong 15 năm, với mức phí trả trước mà ngân hàng nhận được lên đến 3.000 tỉ đồng, chưa kể doanh thu từ hoa hồng bảo hiểm được kỳ vọng tăng từ 30 – 40% mỗi năm.
Theo VCBS, trong năm 2022 các ngân hàng như Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank và VPBank cũng ghi nhận một phần phí trả trước cho hợp đồng độc quyền đã ký.
Tổng Hợp
(ĐTCK), Tuổi Trẻ)