HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14…
Gần 2 năm qua, nhiều dự án bất động sản tại các địa phương gặp khó khăn trong triển khai, dẫn đến nguồn cung bất động sản, nhà ở giảm nhiều so với thời gian trước.
Báo cáo tổng kết thị trường bất động sản 2022 của Bộ Xây dựng cho thấy, các dự án mới được cấp phép trong năm 2022 tiếp tục giảm so với năm 2021. Tình trạng nguồn cung bất động sản khan hiếm được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm trong năm nay.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hiện nay, khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã “luật hoá” một phần nội dung khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14.
Nhưng, nội dung khoản 4 Điều 41 Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) không thông thoáng bằng khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14, vì đã đặt thêm yêu cầu bên chuyển nhượng phải “hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án”.
“HoREA nhận thấy, việc xử lý tài sản bảo đảm khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng mà tài sản “đã có quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” theo quy định của khoản 1 Điều 10 Nghị quyết 42/2017/QH14 trong thời gian qua rất suôn sẻ, đã chứng minh tính hiệu quả và tính ổn định của cơ chế, chính sách “thí điểm” này.
Thế nên, rất cần thiết được “luật hóa”, để áp dụng chung cho cả việc chuyển nhượng dự án bất động sản, để doanh nghiệp được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu”, ông Châu kiến nghị.
Hiệp hội đề nghị xem xét cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án, một phần dự án bất động sản theo khoản 1 Điều 10 Nghị quyết số 42/2017/QH14, cho phép chủ đầu tư chuyển nhượng đã có quyết định giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có) với Nhà nước đối với dự án, phần dự án chuyển nhượng mà không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với toàn bộ hoặc phần dự án chuyển nhượng.
Trường hợp bên chuyển nhượng dự án, một phần dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì bên nhận chuyển nhượng có trách nhiệm, nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ tài chính này. Để các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu, vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh, tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng.
Ngoài ra, Hiệp hội đề nghị nỗ lực thực hiện mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “Đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số Luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ thống nhất” là giải pháp căn cơ, lâu dài để tháo gỡ “vướng mắc pháp lý” và xây dựng thị trường bất động sản phát triển minh bạch, lành mạnh, an toàn và bền vững.
Nhưng, điểm đáng lưu ý là cơ chế, chính sách “thí điểm” về chuyển nhượng dự án cho “thiểu số” doanh nghiệp này, nhưng lại không cho phép áp dụng cho “đa số” doanh nghiệp bất động sản “khỏe mạnh”, bình thường khác (?!).
“Nếu cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14, thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn.
Đặc biệt, giải pháp này cũng hỗ trợ các “trái chủ”, tạo điều kiện cho hoạt động chuyển nhượng dự án bất động sản thông thoáng, tăng thêm nguồn thu ngân sách và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với thị trường bất động sản”, ông Châu khẳng định.
Vì vậy, HoREA hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho phép áp dụng tương tự cơ chế “thí điểm” chuyển nhượng dự án bất động sản theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 của Quốc hội, “Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng”, để các doanh nghiệp bất động sản được thỏa thuận chuyển nhượng dự án bất động sản (M&A) theo nhu cầu.
“Cơ chế này vừa tôn trọng và bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, vừa tạo được dòng tiền để vượt qua khó khăn, vừa giảm bớt lệ thuộc vào nguồn vốn tín dụng trong giai đoạn hiện nay”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nói thêm.
Tổng Hợp
(Dân Việt, Lao Động, Diễn đàn Doanh Nghiệp)