TPHCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng để xin ý kiến về thành phần hồ sơ, đề án phân loại đô thị và chương trình phát triển đô thị phục vụ đề án thành lập TP phía Đông (TP thuộc TPHCM).
Thành phố phía Đông là đô thị sáng tạo
Theo đề án TPHCM đang xây dựng, thành phố phía Đông trực thuộc TPHCM sẽ được hình thành trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức. Khu đô thị sáng tạo phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (quận 9), Đại học Quốc gia TPHCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Sau khi được thành lập, thành phố phía Đông của TPHCM sẽ có diện tích tự nhiên là 211,57 km2, quy mô hơn 1,169 triệu dân. Theo tiêu chuẩn quy định, quy mô dân số của thành phố phía Đông sẽ đạt hơn 779,98% và diện tích tự nhiên cũng đạt hơn 141%.
Thực tế, ý tưởng thành lập khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông được lãnh đạo TPHCM ấp ủ nhiều năm qua. TPHCM cũng tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo và cuộc thi ý tưởng quy hoạch quốc tế… để cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch, xây dựng. Các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị cho rằng để phát triển Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, TPHCM cần có một cơ chế đặc thù để linh hoạt vận hành và tận dụng hiệu quả nguồn lực.
Theo TS Trần Quang Thắng – Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP, TPHCM nỗ lực phát triển Khu đô thị sáng tạo phía Đông cũng là nỗ lực để giải quyết các vấn đề đô thị của TP trên cơ sở kết nối và tận dụng các nguồn lực. Mặt khác, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ giúp chuyển đổi và nâng tầm nền kinh tế hiện tại của TPHCM trở thành nền kinh tế tri thức, công nghệ cao. Qua đó tạo ra nhiều việc làm có chất lượng hơn, sáng tạo hơn, thu nhập tốt hơn.
Đánh giá mô hình TP trong TP là khá mới nhưng cơ bản là tốt, đúng đắn cho việc phát triển đô thị, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: Để thực hiện thành công mô hình trên, TPHCM cần có sự rõ ràng về mặt cơ chế. Tức là những TP trong TP sẽ có bộ máy, hướng phát triển, nền tảng pháp lý phù hợp nhưng vẫn theo định hướng, chiến lược chung của siêu đô thị. Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa TP nhỏ với TP lớn, đặc biệt là một cơ chế đặc thù để tương hỗ cho nhau cùng phát triển.
TPHCM sẽ phát triển theo hướng nào?
Theo Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong, trong một thập kỷ tới, TPHCM mong muốn tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tiếp tục tăng trưởng năng suất lao động, duy trì mức đóng góp 30% GDP ngân sách quốc gia, trở thành hạt nhân của cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Do đó, sau khi thực hiện Đề án TPHCM thông minh được 1 năm, TP đang điều chỉnh và thay đổi, có mục tiêu mới cho giai đoạn 5 năm tiếp theo. Đó là xây dựng đô thị sáng tạo khi triển khai đô thị thông minh, cần có hạt nhân bên trong TPHCM và hạt nhân đó là điểm khởi đầu cho việc triển khai cách mạng công nghiệp 4.0 ở TP.
“Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ kết nối 3 chức năng gồm: Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ, Trung tâm giáo dục – đào tạo nhân lực có trình độ và chất lượng cao, Trung tâm sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công nghệ cao.
Khi thành hình, Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ góp phần thiết lập chuỗi giá trị gia tăng trên nền tảng công nghệ cao, hạ tầng kỹ thuật và xã hội hiện đại theo chuẩn quốc tế và sự hỗ trợ tài chính hiệu quả cho doanh nghiệp. Tạo ra động lực phát triển hơn nữa không chỉ cho khu vực phía Đông TPHCM mà còn cả các đô thị lân cận như Bình Dương, Đồng Nai…” – Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong chia sẻ.
Để thực hiện mục tiêu, TPHCM cho biết sẽ gấp rút xây dựng và hình thành mạng lưới lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp – viện trường – Nhà nước. Song song đó, đặt ra tầm nhìn cho sự phát triển đô thị trên cả 3 lĩnh vực: Kinh tế, Đô thị và Xã hội.
Ngoài ra, TPHCM cũng đang tích cực xây dựng chiến lược thu hút tài năng và công nghệ để tạo ra nền tảng chất lượng cao cho các công ty sáng tạo, tạo môi trường lao động cho đội ngũ khoa học. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách phù hợp cũng được xây dựng để thu hút thêm nhiều nguồn lực và vốn từ xã hội, khuyến khích đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP cho các hợp phần của dự án Khu đô thị sáng tạo phía Đông trong tương lai.
Đánh giá về ý tưởng của lãnh đạo UBND TPHCM, nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận đây là hướng đi chưa từng có tiền lệ nhưng là phù hợp cho sự phát triển kinh tế đô thị cũng như hướng phát triển chính của TP. Bởi không chỉ sở hữu vị trí trọng tâm trong vùng “tam giác vàng” TPHCM – Đồng Nai – Bà Rịa -Vũng Tàu, khu Đông còn là đầu mối của các tuyến giao thông huyết mạch giữa TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ.
“Nhìn vào đề án Khu đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM có thể thấy rõ những thế mạnh nội tại mà nó đang sở hữu. Quận 9 hiện có khu Công nghệ cao lớn thứ nhì cả nước với hơn 700 ha, 35.000 lao động, 6 tỷ USD vốn đầu tư cũng như hàng tỷ USD chuyển giao công nghệ hàng năm. Chỉ riêng trong năm 2019, giá trị sản xuất toàn khu Công nghệ cao đạt hơn 17 tỷ USD và đến năm 2020, dự kiến vượt mốc 20 tỷ USD.
Quận Thủ Đức có 12 trường đại học, Trung tâm ĐHQG TPHCM – một trung tâm sáng tạo nhất cả nước. Hai quận này tạo nên hai cực Công nghệ và Trí tuệ cao, kết hợp với trung tâm hành chính ở Quận 2 sẽ trở thành Khu đô thị thông minh tương tác cao. Đây cũng sẽ là trung tâm để các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, thúc đẩy kinh tế không chỉ của TPHCM mà còn của cả khu vực Đông Nam Bộ” – TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam đánh giá.