Tổ công tác do ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng làm Tổ trưởng, có nhiệm vụ rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp tại TP. Hà Nội, TP. HCM và một số tỉnh, thành phố.
Ngày 17/11, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1435/QĐ-TTg về việc thành lập Tổ công tác rà soát, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn trong triển khai dự án bất động sản.
Thành viên Tổ công tác:
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ trưởng
Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổ phó
Ông Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ phó
Ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó
Ông Nguyễn Cao Lục, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Thành viên
Ông Nguyễn Đức Chi, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Thành viên
Ông Lê Minh Ngân, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thành viên
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thành viên theo Quyết định 1435/QĐ-TTg ngày 17/11/2022
Tổ công tác sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản với nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Tổ cũng sẽ tổng hợp, tham mưu Thủ tướng Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản đối với các nội dung vượt thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Mặt khác, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp việc giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành, địa phương.
Ngoài ra, Tổ công tác có nhiệm vụ tham mưu, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan; Thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan theo phân công, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Quyết định 1435/QĐ-TTg, Tổ công tác có quyền hạn yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp có liên quan báo cáo, cung cấp thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến các dự án bất động sản đang triển khai, những khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý theo báo cáo của các địa phương; kiến nghị giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến triển khai thực hiện các dự án bất động sản tại một số tỉnh, thành phố.
Tổ cũng được giao quyền hạn mời lãnh đạo các cơ quan Trung ương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan hoặc các tổ chức, chuyên gia phối hợp, tham vấn trong quá trình Tổ công tác thực hiện nhiệm vụ.
Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, diện tích sàn nhà ở thương mại toàn Thành phố tăng thêm 13,98 triệu m2, vượt 112,9% so với chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu là 6,568 triệu m2 sàn). Tổng cộng có tới 148.415 căn nhà thương mại được hình thành, gấp gần 10 lần so với nhà ở xã hội (14.954 căn).
Năm 2021, dù tình khó khăn do Covid-19, nhưng các “đại gia” bất động sản tại TP.HCM cũng tung ra được hơn 14.443 căn. 9 tháng đầu năm 2022, TP.HCM lại “nổ” thêm 11.600 căn, chiếm tỷ lệ… 100% tổng số nhà ở đưa ra thị trường.
Đáng nói, trong tổng số nhà ở hạng trung và cao cấp được tung ra thị trường nêu trên, thì dòng cao cấp tăng liên tục. Thống kê của HoREA cho thấy, nếu như năm 2017 (năm “đỉnh cao” của thị trường bất động sản), số lượng nhà cao cấp chỉ có gần 11.000 căn, chiếm 25,5% tổng số nhà ở được đưa ra thị trường, thì đến năm 2021 đã chiếm 72%. Năm 2022, chỉ trong 9 tháng đầu năm, với hơn 9.300 căn được tung ra, phân khúc này đã chiếm trên 80% trị trường. Đặc biệt, từ năm 2019 đến nay, đã xuất hiện dự án và căn hộ bất động sản “siêu sang” với giá rao bán lên đến khoảng 500 triệu đồng/m2, cá biệt có mức giá đến 1 tỷ đồng/m2.
Tổng Hợp