Thị trường thứ cấp khó có sự tăng giá đột biến trong giai đoạn cuối năm, giá thứ cấp sẽ chững lại và xuất hiện giá giảm cục bộ. Thanh khoản thị trường ở mức thấp nhất, ghi nhận cục bộ một số khu vực, dự án có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư bị áp lực tài chính…
DKRA Group dự báo, nguồn cung mới của phân khúc đất nền trong 3 tháng cuối năm sẽ tăng nhẹ, đạt khoảng 1.500-2.000 nền, tập trung chủ yếu ở các thị trường vùng ven TPHCM như tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Long An. Sức cầu chung toàn thị trường trong quý IV/2022 có thể tăng, tuy nhiên khó có sự đột biến trong ngắn hạn.
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 của DKRA Group, phân khúc đất nền trong quý 3 ghi nhận 9 dự án mở bán với nguồn cung khoảng 1.057 sản phẩm, giảm 65,6% so với quý II/2022, nguồn cung đa phần tập trung tại giai đoạn tiếp theo của những dự án trước đó.
Trong đó, thị trường đất nền vùng phụ cận tiếp tục giữ vị thế chủ lực, nguồn cung tập trung chủ yếu ở thị trường tỉnh Bình Dương và chiếm hơn 59% nguồn cung mới. Riêng tại TPHCM, thị trường tiếp tục khan hiếm nguồn cung mới.
Sức cầu thị trường có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 52%, mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm. Lượng tiêu thụ trong quý chỉ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 77,8% so với quý trước.
Mặt bằng giá sơ cấp dao động từ 16-49,7 triệu đồng/m2, giá thứ cấp có mức tăng phổ biến 2-4% so với đầu quý III/2022. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường ở mức thấp nhất, ghi nhận cục bộ một số khu vực, dự án có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư bị áp lực tài chính.
“Thị trường thứ cấp khó có sự tăng giá đột biến trong giai đoạn cuối năm, giá thứ cấp sẽ chững lại và xuất hiện giá giảm cục bộ. Ngược lại, mặt bằng giá trên thị trường sơ cấp khó giảm thậm chí vẫn tiếp tục đà tăng do chịu ảnh hưởng của các loại chi phí đầu vào”, ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc R&D của DKRA Group nói.
Không chỉ đất ruộng, đất đồi, các dự án do các doanh nghiệp đầu tư cũng rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Theo báo cáo quý 2 của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư có tăng so với cuối 2021. Trên thị trường hiện nay, tại các khu vực trung tâm đô thị hầu như không có dự án nhà ở thương mại giá dưới 25 triệu đồng/m2.
Theo một số chuyên gia, sau khi NH Nhà nước tăng lãi suất đầu vào, các NH thương mại cũng liên tục tăng lãi suất huy động nên dòng tiền đang có xu hướng chảy vào kênh NH thay vì đầu tư vào các kênh khác. Khi thị trường chứng khoán, BĐS có dấu hiệu trầm lắng, thì xu hướng của đa số người dân là gửi tiết kiệm nên trong ngắn hạn, thanh khoản và giá BĐS khó có khả năng tăng.
Theo các chuyên gia, thị trường đóng băng thời gian gần đây do dòng vốn cho BĐS bị chững lại, sau hàng loạt động thái của các NH cũng như cơ quan quản lý liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao bộ phận đầu tư Savills VN, phân tích việc siết chặt nguồn vốn vào BĐS đã làm cho thị trường rơi vào trạng thái “đóng băng”. Chỉ khi những chính sách vĩ mô tài khóa, tiền tệ được cải thiện, vấn đề pháp lý được giải quyết thì thị trường mới có dấu hiệu tích cực hơn.
Tổng Hợp