Những tuần giao dịch cuối tháng 6 và đầu tháng 7 chứng kiến một loạt động thái can thiệp của Ngân hàng nhà nước (NHNN) trên thị trường tiền tệ. Bắt đầu từ ngày 21/6, nhà điều hành đã mở lại kênh hút thanh khoản thông qua công cụ tín phiếu sau 2 năm liên tục duy trì ở tình trạng đóng băng.
Không chỉ kéo dài thời gian trả lại tiền cho thị trường, NHNN tiếp tục có thêm động thái tác động trực tiếp lên thanh khoản tiền VND trong hệ thống ngân hàng. Cụ thể, cơ quan này đã chuyển từ phương thức bán ngoại tệ kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay từ ngày 4/7.
Theo giới phân tích, ngoài mục tiêu chính là tăng tăng khả năng can thiệp vào thị trường để bình ổn tỷ giá, hành động của NHNN còn giúp giảm lượng thanh khoản tiền Đồng ngay lập tức, không phải chờ đến thời hạn thanh toán như trước.
Trước đó, dù NHNN đã liên tục bán ngoại tệ kỳ hạn nhưng nhu cầu mua từ các thành viên vẫn lớn, khiến tỷ giá liên tục leo thang. Theo ước tính của các công ty chứng khoán, cơ quan quản lý đã bán ra khoảng 10 tỷ USD từ dự trữ ngoại hối theo qua phương thức kỳ hạn 3 tháng không hủy ngang. Điều này đồng nghĩa một lượng lớn tiền Đồng sẽ bị hút khỏi thị trường trong một vài tháng tới.
Theo SSI Research, thông điệp của NHNN đối với điều hành chính sách tiền tệ trong nhiều năm trở lại đây là chủ động và linh hoạt, và trên thực tế, động thái nhanh chóng hút tiền về của NHNN là phù hợp trong ngắn hạn nhằm giảm áp lực lên đồng VND và cũng các giúp NHTM giải quyết vấn đề thừa thanh khoản tiền Đồng.
NHNN trong cuộc họp đầu năm đã phát tín hiệu không tăng lãi suất điều hành trong năm 2022 nhằm hỗ trợ nền kinh tế sau Covid. Tuy nhiên, áp lực về lạm phát và việc đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách của các NHTW lớn đã tạo áp lực đến điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
”Các động thái vừa qua của NHNN trên hoạt động thị trường mở, nghiệp vụ mua/bán ngoại tệ và trần tín dụng đã nghiêng hơn nhiều về phía thắt chặt mặc dù điều này cần được quan sát thêm”, SSI Research nhận định.
Đây là bước đi đặc biệt của NHNN khi trước đó liên tục ”buông” kênh này nhằm duy trì thanh khoản hệ thống, chủ động giữ lãi suất siêu thấp trong và sau đại dịch Covid.
Sau khi liên tục thực hiện 10 phiên chào thầu thành công, tổng lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tính đến hết ngày 4/7 ở mức 114.140 tỷ đồng, tương ứng với số tiền mà cơ quan quản lý đã hút ròng ra khỏi thị trường.
Đáng chú ý, khi lượng tín phiếu có kỳ hạn 7 ngày phát hành vào tuần đầu tiên lần lượt đáo hạn, NHNN lập tức bổ sung bằng lượng tín phiếu mới với khối lượng lớn hơn và kỳ hạn dài hơn là 14 ngày. Tính đến hết phiên 4/7, số tín phiếu kỳ hạn 14 ngày đã chiếm gần một nửa tổng lượng lưu hành.
Động thái này cho thấy định hướng kéo dài thời gian hút tiền của nhà điều hành trong bối cảnh thanh khoản hệ thống vẫn rất dư thừa, thể hiện qua việc lãi suất trúng thầu tín phiếu thấp hơn nhiều lãi suất liên ngân hàng cùng kỳ hạn.
Đại diện NHNN cho biết cơ quan này sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường thường xuyên hơn. Như vậy, lượng VND bị hút về qua kênh ngoại tệ trong thời gian tới có thể tiếp tục gia tăng, thanh khoản nội tệ vì thế sẽ bớt dồi dào hơn.
Hai năm liên tiếp duy trì ở mức thấp kỷ lục, lãi suất đầu vào đã và đang bắt đầu “nóng lên” trong mấy tháng gần đây. Với dự báo áp lực lạm phát tiếp tục hiện hữu trong các tháng tiếp theo đi cùng với nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, lãi suất huy động được dự báo còn có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho các nhà băng trong việc quyết định lãi suất đầu ra, đặc biệt là trong bối cảnh Chính phủ đã đặt ra nhiệm vụ cho toàn hệ thống ngân hàng phải phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Tổng Hợp