CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI) mới đây đã phát hành thành công 280 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn tại ngày 28/7/2024 cho một công ty bảo hiểm. Sơn Hà còn âm nặng dòng tiền kinh doanh trong 6 tháng đầu năm với con số lên đến gần 285 tỷ đồng…
Việc Sơn Hà “in giấy vay tiền” có lẽ không nằm ngoài dự đoán của nhà đầu tư bởi ngay sau khi vị Chủ tịch của Sơn Hà đưa ra thông điệp mở rộng đầu tư vào lĩnh vực ngành nước, năng lượng tái tạo và đặc biệt là bất động sản công nghiệp, ít nhiều cũng đã gợn lên sự lo ngại về việc “quá tải” tài chính đối với doanh nghiệp ngoại đạo này khi lấn sân sang lĩnh vực đòi hỏi nhu cầu vốn lớn như bất động sản công nghiệp.
Mặc dù chịu khoản lãi vay không nhỏ tuy nhiên lợi nhuận nửa đầu năm của Sơn Hà vẫn ghi nhận tăng trưởng khả quan. Lãi ròng gấp 3,3 lần cùng kỳ đạt 81 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ là hơn 56 tỷ đồng.
Tăng trưởng chủ yếu nhờ doanh thu tăng mạnh 39% so với cùng kỳ lên 3.286 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cũng tăng cao khiến biên lãi gộp không được cải thiện trong khi khả năng quản lý chi phí chưa hiệu quả khi các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận ròng của Sơn Hà chỉ ở mức 1,7% tức là 100 đồng doanh thu chỉ mang về 1,7 đồng lãi.
Không chỉ lãi mỏng, Sơn Hà còn âm nặng dòng tiền kinh doanh trong 6 tháng đầu năm với con số lên đến gần 285 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn dương 5,5 tỷ đồng. Khả năng thu hồi công nợ kém hiệu quả khiến dòng tiền bị tắc tại các khoản phải thu và một phần trong tồn kho. Thời điểm cuối quý II/2021, các khoản phải thu của Sơn Hà lên đến gần 2.174 tỷ đồng, tương đương 45% tổng tài sản. Trong đó, phải thu khách hàng là 1.895 tỷ đồng, tăng 238 tỷ đồng so với đầu năm. Tồn kho cuối kỳ cũng tăng 143 tỷ đồng so với đầu năm lên mức 1.196 tỷ đồng. Hai khoản mục này đã chiếm hơn 70% tổng tài sản của Sơn Hà.
Dòng tiền âm nặng có thể là một phần nguyên nhân khiến Sơn Hà phải tiếp tục đi vay để bù đắp. Ghi nhận trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ 6 tháng đầu năm, công ty đã thu từ đi vay đến gần 2.850 tỷ đồng, cao hơn 727 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, Sơn Hà cũng trả nợ gốc vay gần 2.700 tỷ đồng trong nửa đầu năm.
Báo cáo tài chính bán niên soát xét của Sơn Hà cho thấy, nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 6/2021 là 3.405 tỷ đồng, tăng thêm 8% so với đầu năm 2021. Kéo theo, tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gấp gần 2,5 lần so với vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Tính đến cuối tháng 6, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã lên 2.178 tỷ đồng, số tiền này cũng đã lớn gấp gần 1,6 lần vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, công ty cũng còn có 213 tỷ đồng vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Do đó, tỷ lệ nợ vay/vốn chủ sở hữu xấp xỉ 170%, cao hơn 3 năm liền trước.
Chưa kể, dòng tiền thực tế của công ty này cũng đang ở trạng thái khá eo hẹp, với giá trị lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2021 bị âm 284,5 tỷ đồng, trong khi dương 5,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
CTCP Quốc tế Sơn Hà (mã SHI) mới đây đã phát hành thành công 280 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 36 tháng, đáo hạn tại ngày 28/7/2024 cho một công ty bảo hiểm. Số tiền huy động được Sơn Hà dự kiến sẽ sử dụng để tăng quy mô vốn hoạt động và đầu tư dự án. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được đảm bảo bằng 38,5 triệu cổ phiếu SHI (tương ứng 38,3% số cổ phiếu SHI đang lưu hành) và toàn bộ quyền phát sinh từ cổ phiếu như cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng, cổ phiếu do chia tách, ngoại trừ quyền mua cổ phần phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn bao gồm thêm 12 triệu cổ phần của công ty con SHI là Tập đoàn Toàn Mỹ cùng toàn bộ quyền phát sinh từ cổ phần này cũng được đưa vào tài sản đảm bảo. Tính đến thời điểm 30/6/2021, SHI đang sở hữu 74,34% vốn tại Tập đoàn Toàn Mỹ. Lãi suất trái phiếu được áp dụng cố định 11%/năm cho hai kỳ tính lãi đầu tiên. Lãi suất các kỳ tiếp theo bằng tổng lãi tham chiếu cộng biên độ 4,5%/năm, hoặc bằng 11% nếu lãi tham chiếu nhỏ hơn 6,5%/năm. Kỳ tính lãi 6 tháng một lần.
Tính đến thời điểm 30/6/2021, tổng nợ vay tài chính của Sơn Hà lên đến 2.392 tỷ đồng, chiếm đến 50% tổng tài sản. Phần lớn là nợ ngắn hạn (chiếm 91%) chủ yếu là vay các ngân hàng BIDV, Vietcombank, VietinBank với lãi suất từ dao động trong khoảng 6% – 9%/năm. Việc thường xuyên duy trì vay nợ ở mức cao khiến Sơn Hà phải gánh hàng trăm tỷ đồng nợ vay mỗi năm, ăn mòn đáng kể lợi nhuận. Trong năm 2020, công ty đã phải trả hơn 155 tỷ đồng chi phí lãi vay. Con số này trong 6 tháng đầu năm 2021 là hơn 71 tỷ đồng.
Việc Sơn Hà sẽ gồng gánh ra sao những tham vọng lớn trên một nền tảng thể lực tài chính không quá khỏe mạnh hiện nay sẽ là câu chuyện đáng quan tâm cho cổ đông và nhà đầu tư trong thời gian tới. Trong quá khứ, Sơn Hà đã từng mất 600 tỷ đồng khi rót vốn vào địa ốc.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)