Trên các diễn đàn, nhóm chát vừa qua, nhà đầu tư bày tỏ sự phẫn nộ với lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh với các bình luận: “Công ty nổi tiếng chơi trên đầu nhà đầu tư từ xưa tới nay rồi”, “DXG: Nhà đầu tư cảm thấy bị lừa”; “Lãnh đạo suốt ngày trade cổ phiếu của công ty thì nhà đầu tư đấu sao lại được”… động thái gì của lãnh đạo Tập đoàn lại bị cổ đông, nhà đầu tư bức xúc đến vậy.
Nhìn lại chặng đường kể từ khi lên niêm yết vào năm 2009 tới nay, Công ty tăng vốn điều lệ từ 80 tỷ đồng lên 5.200 tỷ đồng, tăng 64 lần trong hơn 12 năm.
Đất Xanh đang thể hiện mô hình kinh doanh thâm hụt vốn kéo dài, liên tục huy động dòng vốn từ phát hành cổ phiếu, trái phiếu để bù đắp thu hụt dòng tiền hoạt động kinh doanh chính kéo dài. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt, kể từ khi niêm yết tới nay (2009-2020), Đất Xanh đã huy động dòng tiền tài chính lên tới 9.565,4 tỷ đồng từ cổ đông, phát hành trái phiếu để bù đắp cho thâm hụt dòng tiền kinh doanh lên tới 4.542,28 tỷ đồng và phục vụ hoạt động đầu tư mở rộng 3.282,15 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính DXG, dòng tiền kinh doanh âm liên tục do doanh nghiệp gia tăng tồn kho và các khoản phải thu. Tính tới 31/3/2021, khoản phải thu của Công ty lên 8.325,07 tỷ đồng, cao gấp 77,6 lần năm 2009 và chiếm 32,4% tổng tài sản. Giá trị hàng tồn kho gấp 60,6 lần so với năm 2009, lên 10.148,67 tỷ đồng và chiếm 39,5% tổng tài sản. Mới đây, cổ đông nước ngoài cũng đã giảm tỷ lệ sở hữu tại DXG và rất nhiều nhà đầu tư ưu thích đầu tư doanh nghiệp tăng trưởng bền vững không bao giờ lựa chọn DXG vào danh mục đầu tư của mình dù doanh nghiệp này liên tục tăng vốn điều lệ.
Khi doanh nghiệp tăng vốn thường đi kèm với các kế hoạch đầu tư mở rộng hoạt động kinh doanh, cổ đông góp vốn trong mỗi đợt phát hành đều kỳ vọng quy mô cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ được cải thiện trong tương lai và họ sẽ được hưởng lợi. Nguồn lợi đó có thể là khoản cổ tức bằng tiền, hoặc giá cổ phiếu tăng trưởng hàng năm. Tuy vậy, cổ phiếu DXG được đánh giá là cổ phiếu thị trường, chứ không phải cổ phiếu cơ bản. Giá cổ phiếu dễ biến động theo thông tin khó lường. Cổ đông của Đất Xanh liên tục phải góp thêm vốn, song suốt 12 năm qua chỉ được nhận cổ tức bằng tiền mặt một lần (cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 5%).
Cao trào khi ngày 04/6/2021 Công ty bất ngờ công bố dự kiến phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng và 200 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương ứng 38,59% số lượng cổ phiếu đang lưu hành với mức chiết khấu 20% so với giá đóng cửa bình quân trong 20 phiên giao dịch gần nhất trước thời điểm quyết định giá.
Ngay trước khi thông tin này công bố, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó tổng giám đốc Công ty đã hoàn thành bán ra 690.000 cổ phiếu. Kế hoạch phát hành cổ phiếu được công bố DXG lao dốc mạnh, giảm tới 17,3% trong thời gian từ ngày 3/6 – 17/6. Đáng nói, đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo Đất Xanh bán ra cổ phiếu đúng vùng đỉnh. Cũng không phải lần đầu tiên sau khi lãnh đạo bán ra cổ phiếu, Công ty công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP. Vào phiên giao dịch ngày 29/1/2018, ông Sơn bán ra 175.000 cổ phiếu. Từ mức giá đóng cửa 20.700 đồng/cổ phiếu trong phiên này, cổ phiếu DXG đã liên tục lao dốc. Sau khi ông Sơn bán ra cổ phiếu không lâu, ngày 13/2/2018, DXG công bố kế hoạch phát hành 7,5 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trước áp lực từ cổ đông, nhà đầu tư, mới đây, Đất Xanh đã phải điều chỉnh phương án phát hành ESOP và riêng lẻ. Theo đó, 7 triệu cổ phiếu ESOP được phát hành với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thay vì 0 đồng. Còn tỷ lệ chiết khấu giá phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu được giảm từ 20% xuống còn 10 – 15% và không thấp hơn 20.000 đồng/cổ phiếu.
Đáng nói là, trong khi cổ đông hiện hữu luôn phải nộp tiền vào và không được chia cổ tức thì Đất Xanh lại liên tục phát hành cổ phiếu ưu đãi ESOP cho Ban lãnh đạo. Cụ thể, năm 2013, Công ty phát hành 0,3 triệu cổ phiếu ESOP; năm 2015 phát hành 0,7 triệu cổ phiếu ESOP; năm 2017, phát hành 3 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng.
Năm 2018, Công ty phát hành 7,5 triệu cổ phiếu ESOP giá 10.000 đồng/cổ phiếu (trong đó, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch Hội đồng quản trị mua 3,21 triệu cổ phiếu, chiếm gần 43% tổng lượng phát hành) và dự kiến phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP trong năm 2021. Số lượng cổ phiếu ESOP liên tục gối đầu hàng năm giúp Ban lãnh đạo Công ty dễ dàng chốt lời trên sàn chứng khoán. Trong quá khứ, Đất Xanh cũng nhiều lần triển khai phát hành riêng lẻ, với giá thấp hơn thị giá trên sàn. Như trong tháng 2/2014, Công ty phát hành 11,64 triệu cổ phiếu và tháng 12/2014 phát hành 25,7 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Trong đợt phát hành vào tháng 2/2014, giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu trong khi thị giá thời điểm đó khoảng 15.000 đồng/cổ phiếu. Còn với đợt phát hành vào tháng 12/2014, doanh nghiệp chào bán giá 10.000 đồng/cổ phiếu, còn thị giá cổ phiếu DXG khi đó giao dịch trong khoảng 14.800 – 15.100 đồng/cổ phiếu.
Sau các đợt phát hành riêng lẻ này thì không rõ ai là nhà đầu tư chiến lược nắm giữ cổ phần DXG lâu dài và có hỗ trợ hoạt động của Công ty hay cũng chỉ là những nhà đầu tư tài chính thông thường.
Cương Nguyễn