Diễn biến trên thể hiện thanh khoản hệ thống đang rất dồi dào nhưng các ngân hàng chưa thể đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy thu ngân sách trong tháng 8 giảm 15% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi đó chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ ( giảm 5% so với cùng kỳ). Số liệu thu – chi ngân sách trong 8 tháng đầu năm vẫn duy trì thặng dư (83 nghìn tỷ đồng). Do vậy khả năng cao Chính phủ sẽ tích cực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sau khi dịch được kiểm soát nhằm hỗ trợ tăng trưởng và nhờ vậy nguồn cung trái phiếu sẽ được cải thiện. Mặt bằng lợi suất trúng thầu sẽ đi ngang trong ngắn hạn và tăng dần về cuối năm.
Lợi tức trái phiếu chính phủ trên thị trường thứ cấp hầu như đi ngang trong tuần qua. Chốt tuần ở mức như sau: 1 năm (0,31%, không đổi); 3 năm (0,70%; không đổi); 5 năm (0,82%, giảm 0,01 điểm phần trăm); 10 năm (2,07%, không đổi); 15 năm (2,28%; tăng 0,01 điểm phần trăm); 20 năm (2,83%, tang 0,01 điểm phần trăm); 30 năm (2,98%, không đổi). Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ 29 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến nay nhóm này mua ròng 10,45 nghìn tỷ đồng.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng dư nợ tín dụng đến hết tháng 8 mới đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương mức tăng 14,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà phục hồi kể từ tháng 4/2020, song tăng trưởng riêng trong tháng 8/2021 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội.
Đáng chú ý, khi tiền nhiều và tín dụng tăng khó, thêm nhiều ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động. Mức điều chỉnh chủ yếu giảm từ 0,1 – 0,3 điểm phần trăm tại MB, ACB, Techcombank. Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục rơi về vùng thấp của nhiều năm, giao động ở 2,7%-4% cho kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7%-5% cho kỳ hạn 6-12 tháng và 4,6%-6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Trong khi đó, tính đến hết tháng 7, tổng tiền gửi chỉ tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái (thấp hơn so với mức tăng 4,35% trong năm 2020) và chênh lệch tiền gửi – tín dụng tiếp tục bị thu hẹp. Tuy nhiên, mức chênh lệch này chưa thực sự tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống khi vẫn cao hơn so với giai đoạn trước Covid-19. Vì vậy, lãi suất huy động được dự báo tiếp tục tục đi ngang ở vùng thấp đến cuối năm. Không những thế, mặt bằng lãi suất tiền gửi có thể giảm trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước cần phải có các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch.
Theo số liệu của Công ty Chứng khoán SSI, trong tuần trước (6/9-10/9), thị trường mở không phát sinh giao dịch mới. Trong khi mặt bằng lãi suất liên ngân hàng giảm nhẹ khoảng 0,02 điểm phần trăm. Lãi suất liên ngân hàng thậm chí còn tiếp tục xuất hiện giảm trong phiên giao dịch đầu tuần này khi giảm 0,01 điểm phần trăm ở các kỳ hạn ngắn. Chốt ngày 13/9, các mức lãi suất rơi về: qua đêm 0,69%; 1 tuần 0,80%; 2 tuần 0,93% và 1 tháng 1,16%.
Dưới tác động của dịch bệnh và quy định giãn cách xã hội, tăng trưởng tín dụng tháng 7 chỉ đạt 0,22% và đạt 0,74% trong tháng 8, thấp hơn rất nhiều so với những tháng trước đó. Đây là số liệu mới nhất được các chuyên gia phân tích của Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán VNDirect – VNDirect Research ghi nhận trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới công bố. Cụ thể, theo các chuyên gia tại đây, diễn biến thực tế trên thị trường tiền tệ cho thấy tín dụng toàn ngành ngân hàng đã tăng tốt trong 6 tháng đầu năm nay nhưng đang có xu hướng chậm lại trong quý III này.
Theo Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, tăng trưởng tín dụng tháng 8 có xu hướng chậm lại và dự kiến tháng 9 cũng sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng do tác động của dịch bệnh và thực hiện hiện giãn cách xã hội. NHNN dự kiến kịch bản tín dụng sẽ hồi phục mạnh từ tháng 10 và 2 tháng cuối năm nay.
Nhật Hạ
(Tổng Hợp)